Một hồ sơ khởi kiện tranh chấp kinh tế được Tòa án nhân dân Quận 1 (TP.HCM) thụ lý nhưng đã hơn 6 năm không đưa ra xét xử cũng không có hình thức xử lý khác. Trong khi theo quy định của pháp luật, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có trách nhiệm giải quyết hoặc chuyển tiếp cho các cấp có thẩm quyền xử lý trong thời gian chậm nhất là 6 tháng.
Đây là vụ án phức tạp với sự tham gia của nhiều công ty bên nguyên đơn lẫn bị đơn với nhiều tình tiết trái chiều xung quanh các “hợp đồng góp vốn xây dựng và hợp đồng xây dựng”. Hồ sơ khởi kiện bị "ngâm" hơn 6 năm trời không rõ lý do khiến dư luận cũng như giới luật sư vô cùng bất ngờ.
Theo diễn biến của vụ án, ngày 8/9/2011, Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ đã xét xử vụ án "tranh chấp, khởi kiện đòi lại những khoản tiền góp vốn kinh doanh, những khoản nợ trong quá trình mua bán giữa các công ty là thành viên".
Tại đây, tòa tuyên: công ty TNHH Đức Thành (công ty Đức Thành), quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ phải trả cho công ty TNHH Nguyễn (Công ty Nguyễn) ở TP. HCM số tiền trên 32 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty Đức Thành còn phải trả cho công ty TNHH Đầu Tư – Xây Dựng – Thương Mại Băng Dương (Công ty Băng Dương) ở quận 1, TPHCM số tiền trên 8,5 tỷ đồng.
Đến ngày 19/12/2011, tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao vẫn giữ nguyên kết luận của Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ.
Theo công ty Đức Thành, nội dung bản án là chưa hợp lý, đơn vị này cho rằng, công ty Băng Dương vẫn còn đang nợ mình số tiền trên 99 tỷ đồng (đây là số vốn lẫn lãi trong quá trình cùng chung vốn hợp tác kinh doanh với công ty Băng Dương, có đầy đủ tài liệu chứng minh).
Tháng 4/2012, công ty Đức Thành đã khởi kiện công ty Băng Dương để đòi lại khoản tiền trên.
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp kinh tế hơn 6 năm vẫn "bất động" |
Hồ sơ khởi kiện được nộp tại Tòa án nhân dân Quận 1 (TP. HCM). Nhưng sau khi tìm hiểu, công ty Đức Thành nhận thấy việc nộp Hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận 1 là không hợp lý. Cụ thể, theo quy định: Tại thời điểm khởi kiện, thời điểm thụ lý vụ án, luật áp dụng: Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định tại điều 29, được hướng dẫn tại nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, tại Điều 2 khoản 1 điểm b) Tòa kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của BLTTDS; tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận: Xác định Tòa kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại. Như vậy, theo công ty Đức Thành, hồ sơ khởi kiện của đơn vị này phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh Tế Tòa án nhân dân TP. HCM.
Sau đó, công ty Đức Thành đã đề nghị Tòa án nhân dân Quận 1 (TP. HCM) chuyển hồ sơ khởi kiện tới Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng chưa được chấp nhận.
Điều đáng nói, từ lúc khởi kiện đến nay (tháng 4/2012 đến tháng 11/2018) đã trên 6 năm 7 tháng, hồ sơ vẫn "nằm im" tại Tòa án nhân dân Quận 1. Phía công ty Đức Thành đã liên hệ nhiều lần nhưng đều không nhận được "hồi âm".
Theo Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): Không hiểu vì lý do gì mà Tòa án nhân dân Quận 1, TP. HCM lại kéo dài thời gian giải quyết tới tận 6 năm. Theo quy định của pháp luật, kể cả luật tố tụng dân sự cũ hay mới, thì thời hạn giải quyết một vụ án kinh doanh thương mại cũng chỉ mất khoảng 5 tháng. Gia hạn 1 lần là 1 tháng. Như vậy, theo quy định trong thời hạn khoảng 6 tháng thì tòa án đã phải đưa vụ án ra xét xử rồi.
Ai đúng? Ai sai? Bản án đã tuyên liệu có tâm phục, khẩu phục? Người bị thiệt hại quyền lợi chính đáng là ai?
Báo Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin trong nhưng bài tiếp theo...
Nhóm PV