Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa có công văn khẩn gửi bộ Y tế về đề xuất hỗ trợ nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.
Cụ thể, UBND TP.HCM đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ, điều động lực lượng nhân viên y tế của các bệnh viện Trung ương, bộ ngành đóng trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, TP.HCM đang cần thêm 1.000 bác sĩ, gồm 100 bác sĩ chuyên về hồi sức, 900 bác sĩ khám và điều trị; 4.000 điều dưỡng và kỹ thuật viên, gồm 300 điều dưỡng chuyên về hồi sức, 3.600 điều dưỡng, 100 kỹ thuật viên.
Hiện TP.HCM đã được bộ Y tế hỗ trợ 1.936 nhân viên y tế đến từ 25 bệnh viện Trung ương, bộ, ngành và sở Y tế các tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế cũng đã huy động 1.601 giảng viên, sinh viên, hỗ trợ TP.HCM công tác truy vết, xét nghiệm.
Nhằm tăng cường nhân lực cho công tác phòng chống dịch, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định thành lập Tổ Điều phối nguồn nhân lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn ra trên địa bàn thành phố (gọi tắt là Tổ Điều phối nguồn nhân lực).
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc sở Nội vụ, Tổ trưởng Tổ Điều phối nguồn nhân lực vừa có văn bản đề nghị lãnh đạo các cơ quan khối Đảng (trừ quận, huyện), đoàn thể thuộc và trực thuộc Đảng bộ TP.HCM, các sở - ban - ngành lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc để tạo nguồn khi cần thiết hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia, phục vụ phòng, chống dịch và duy trì hoạt động trong thời gian xảy ra dịch bệnh.
Về tiêu chí cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức dưới 50 tuổi đối với nam và dưới 40 tuổi đối với nữ; có sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức được lập danh sách không quá 30% tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan, đơn vị.
Tổ Điều phối nguồn nhân lực đề nghị việc lập danh sách phải đảm bảo lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị.
Sau 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16 nhưng tình hình dịch ở TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp, mới đây, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 12 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu của Chỉ thị này là tăng cường Chỉ thị 16 nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.
Hiện, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Từ 27/4 đến sáng 23/7, TP.HCM ghi nhận 48.863 ca mắc COVID-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.
Thủy Tiên (T/h)