Ngày 6/7, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp bé gái 4 tuổi rơi ở tầng 7 một chung cư trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhi được cấp cứu vào Bệnh viện Nhi đồng 2 vào lúc 0h ngày 27/6 trong tình trạng lơ mơ do bị đa chấn thương khi rơi từ tầng 7 chung cư xuống nền xi măng.
Theo lời kể từ mẹ bệnh nhi, khoảng 20h30 ngày 26/6, sau khi tắm xong cho con nhỏ, chị tiếp tục tắm cho con lớn.
Một lúc sau, chị nghe người dân chung cư hô hoán có một em bé té lầu.
Tá hỏa xuống kiểm tra, chị phát hiện con mình nằm trên sàn xi măng chung cư máu chảy lênh láng, vết thương ở chân và tay rất nặng.
Theo người dân có mặt lúc đó thì rất may bé rơi trúng mái che ở tầng 1 trước khi tiếp đất.
Kết quả kiểm tra sơ khởi cho thấy có máu tụ dưới màng cứng và xuất huyết ở vùng hố sau, chấn thương dập gan xương cánh tay trái gãy hở độ 3, tổn thương động mạch cánh tay trái.
Bác sĩ thực hiện nối động mạch tay trái cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC |
Bé đã được đưa thẳng vào phòng mổ kết hợp xương, vi phẫu nối động mạch cánh tay trái. Ca phẫu thuật kéo dài 1 giờ. Sau đó bé được đưa qua khoa hồi sức theo dõi và điều trị bảo tồn các tổn thương ở vùng đầu, gan.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ngà, người trực tiếp nối mạch cho bé, cho biết ca phẫu thuật trong đêm rất căng thẳng. Bé bị đa chấn thương nặng nề, men gan tang cao, nguy cơ nhiễm trùng, thiếu máu, chảy máu rất cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, thời gian mổ không được kéo dài 2-3 tiếng như các ca mổ khác.
Tuy nhiên, ê-kíp phải đảm bảo yêu cầu chính xác, bởi mạch máu bị dập có nguy cơ tắc cao và cộng thêm vấn đề kháng đông phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bác sĩ phải hạn chế tối đa việc mổ lại vì bệnh nhi đang nguy kịch không thể gây mê nhiều lần.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ qúa trình cứu sống bệnh nhi - Ảnh: Hoàng Lộc. |
Sau khi nối mạch máu, bệnh nhi được đưa về khoa hồi sức tiếp tục theo dõi và điều trị bảo toàn các tổn thương vùng đầu, gan. Qua 7 ngày điều trị tại khoa Hồi sức và Ngoại thần kinh, bé được cho xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc bình thường.
Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, từ đầu năm 2018 bệnh viện tiếp nhận 656 ca tai nạn sinh hoạt, trong đó có 54 ca chấn thương đầu, sọ não do té ngã. Thông thường, những em bé ngã ở độ cao từ tầng 3 khả năng cứu chữa hầu như vô vọng. Rất may, bé gái này trước lúc tiếp đất đã rơi vào mái che ở tầng một nên đã giảm được rất nhiều chấn thương đầu, cột sống. Đây là ca bệnh nhi ngã từ lầu 7 duy nhất được cứu sống từ trước đến nay của bệnh viện.
Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các chung cư thì những tai nạn xảy ra với trẻ nhỏ do rơi từ trên cao xuống cũng càng tăng lên. Các chuyên gia khuyến cáo các gia đình có con nhỏ nên lắp lưới an toàn tại ban công để ngăn những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Minh Minh(T/h)