(ĐSPL) - TP HCM có chi phí sống rẻ hơn Hà Nội đến 2,61\%, theo Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2015 của Tổng cục Thống kê cho biết.
Báo Tri thức Trực tuyến đưa tin, lần công bố chỉ số SCOLI năm 2010-2014, khi chọn Hà Nội là gốc so sánh, TP HCM có chỉ số cao nhất giai đoạn 2010-2012. Chỉ số này cao hơn Hà Nội 1,2\% vào 2010 và 0,8\% vào 2011. Nhóm học phí ở TP HCM cao hơn Hà Nội 40\%.
Các năm sau đó là 2013-2014, TP HCM vẫn xếp thứ 4 và thứ 6 cả nước về mức độ đắt đỏ. Giá một số mặt hàng, trong đó có lương thực, thực phẩm, đồ uống rẻ hơn Hà Nội. Dù vậy, nhóm giáo dục, thiết bị đồ dùng gia đình và hàng hóa dịch vụ khác vẫn cao hơn Hà Nội 4-7\%.
Còn kết quả năm 2015 cho thấy, chi phí sinh hoạt tại TP HCM, đặc biệt với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, may mặc, đồ uống… không tăng đột biến và thấp hơn Hà Nội từ 1-8\%.
Lý giải về sự chênh lệch giá của TP HCM và Hà Nội, ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị ở Hà Nội cho biết, về khách quan, Hà Nội được biết đến là một đô thị rất lớn so với TP HCM. Hà Nội cũng hầu như không sản xuất hàng hóa. Hơn nữa, hàng hóa tại đây cũng thường ngon nhất, tốt nhất, sản vật thường tập trung tại địa bàn này.
Thứ hai, theo ông Phú, nguồn hàng của Hà Nội như rau, củ, quả... thường từ phía Nam đổ về. Chi phí vận chuyển những mặt hàng như vậy đã cộng thêm mấy phần trăm, khiến giá đến tay người tiêu dùng bị đội lên.
Về chủ quan, theo ông, hệ thống phân phối của Hà Nội rất kém. Việc mua bán hàng hóa Hà Nội không hình thành chợ đầu mối như TP HCM, nhiều khâu, qua nhiều thương lái nên cộng thêm khoảng 10\% vào hàng hóa.
"Môi trường kinh doanh của Hà Nội chậm hơn, không nhanh nhạy trong buôn bán như TP HCM. Cách làm ăn còn chịu ảnh hưởng bởi bao cấp, nhiều quá, hàng hóa không bán công khai gia, chỉ công khai ở siêu thị... Một sản phẩm cạnh tranh, méo mó và ví dụ một lô hàng rau từ các tỉnh miền núi đổ về thủ đô phải qua rất nhiều trạm kiểm soát. Còn người dân có sản phẩm nhưng họ không biết tiêu thụ ở đâu", ông nói.
Tuy nhiên, việc đánh giá chênh lệch trong chi phí sống tại các quận trung tâm ở Hà Nội, TP HCM còn cần dựa vào tập quán sinh hoạt từng vùng.
Cũng theo báo cáo này, năm 2015, danh hiệu nơi có mức giá "đắt đỏ" nhất cả nước lại thuộc về Lai Châu, ở mức 100,3\% so với thành phố Hà Nội. Trong đó, 4 nhóm hàng có mức giá cao hơn nhưng không đáng kể từ 1\% đến 4\%, có 7 nhóm có mức giá gần bằng 95\% đến 99,7\%.
Báo Vietnamnet thông tin thêm, theo Tổng cục Thống kê, Lai Châu là tỉnh miền núi đi lại khó khăn, sản xuất tại chỗ không nhiều. Hàng hoá đều vận chuyển từ các tỉnh, chi phí vận tải quá cao, chi phí dự trữ hàng hoá kho bãi cũng tăng kéo theo giá thành tăng cao so.
Hà Nội đứng thứ hai về giá cả đắt đỏ. Các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lào Cai và TP.HCM cũng là những địa phương có mức giá chung khá cao.
Năm 2015, có sự thay đổi vị trí đắt đỏ nhất, vùng Trung du và miền núi phía Bắc từ vị trí thứ hai đã chuyển lên vị tri cao nhất nước.
Trà Vinh là tỉnh có mức giá rẻ nhất nước. Mức giá bình quân của Trà Vinh khá thấp, chỉ từ 73,77\% đến 89\% so với mức giá chung của Hà Nội, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế thấp nhất bằng 73,77\% so với mức bình quân của Hà Nội và thấp nhất cả nước. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng chỉ bằng 81,39\% so với Hà Nội.
Thái Bình có mức giá thấp thứ hai sau Trà Vinh. Giá gạo bình quân của Thái Bình bằng 80\% giá gạo Hà Nội. Giá các mặt hàng trong nhóm thực phẩm ở Thái Bình bằng 60\% đến 90\% so với giá bình quân chung cả nước, các mặt hàng rẻ hơn Hà Nội như thịt vịt, thị gia cầm. Lương thực, thực phẩm rẻ nên nhóm ăn uống của Thái Bình chỉ bằng 80\% so với giá của Hà Nội.
Trong khi đó, Gia Lai là tỉnh có giá biến động nhiều nhất. Mức giá chung của Gia Lai đứng thứ 23 năm 2014 nhưng đến năm 2015, Gia Lai đứng 36 trong cả nước. Bình Dương có sự biến động tăng 13 bậc so với 2014. Tây Ninh cũng có sự thay đổi mạnh từ 51 lên vị trí 40.
Ngọc Anh (Tổng hợp)