Theo Tri thức trực tuyến, chiều 27/10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa ký văn bản khẩn về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, UBND TP.HCM đã chính thức ra quyết định cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ từ ngày 28/10.
Khi mở cửa trở lại, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần đảm bảo các điều kiện được, quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP ban hành kèm Quyết định 3677 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM.
Cụ thể, báo Tuổi trẻ cho biết trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, hoạt động của hàng quán phải được tổ chức an toàn đảm bảo. Trong đó, trừ nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch, các hàng quán khác phải đóng cửa trước 21h hàng ngày và chỉ được phục vụ tối đa 50% công suất. Đồng thời, hàng quán không bán, không sử dụng đồ uống có cồn.
Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn, TP đã cho phép quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 28/10 đến hết ngày 15/11.
Sau thời gian thí điểm, chủ tịch UBND quận 7 và TP.Thủ Đức sẽ đưa đánh giá, rút kinh nghiệm để báo cáo, đề xuất để UBND TP có cơ sở tiếp tục triển khai và nhân rộng tại các địa bàn khác.
Về vấn đề trên, UBND TP đã giao các sở, ban, ngành chức năng chủ động phối hợp UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đảm bảo thực hiện đúng nội dung được nêu trong công văn.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, cũng trong ngày 27/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã ban hành quyết định số 3677 về điều chỉnh, bổ sung quyết định số 3585 về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.
Trong đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố chỉ được hoạt động, phục vụ khách hàng tại chỗ khi đã đáp ứng đầy đủ 4 tiêu chí sau:
Tiêu chí 1 (đối với cơ sở):
Cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời bố trí khu vực giao – nhận thực phẩm đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, thiết bị làm khô tay; tự tổ chức xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên, định kỳ cho người làm việc tại cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao.
Cơ sở phải có đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/ và tổ chức quét mã QR của người tham gia hoạt động tại cơ sở theo Chỉ thị 18 của UBND TP.
Tiêu chí 2 (đối với khách hàng):
Phải thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và cơ sở kinh doanh.
Tiêu chí 3 (đối với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người giao – nhận hàng, người đến liên hệ):
Thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR và thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch.
Người làm việc tại cơ sở kinh doanh là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất một mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm.
Tiêu chí 4 (đối với chủ cơ sở):
Chủ cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại cơ sở.
Có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống tại cơ sở trong cùng một thời điểm (có bảng thông báo rõ tại cơ sở) và đảm bảo số lượng khách đến ăn uống tại cơ sở không được vượt quá số lượng đã thông báo trong cùng một thời điểm.
Thực hiện báo cáo phương án tổ chức kinh doanh và các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch tại cơ sở cho UBND phường, xã, thị trấn để theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM quy định rõ, tuỳ theo tình hình dịch bệnh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động phải 4 bốn tiêu chí nêu trên và thực hiện theo quy định cụ thể của UBND TP.HCM.
Minh Hạnh (T/h)