+Aa-
    Zalo

    Toyota Việt Nam ngừng sản xuất ô tô: Sếp Toyota Việt Nam nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tổng giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam (TMV) đã phủ nhận hoàn toàn thông tin “dừng sản xuất ô tô để hưởng lợi từ việc thuế suất về 0\% trong năm 2018”...

    (ĐSPL) - Tổng giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam (TMV) đã phủ nhận hoàn toàn thông tin “dừng sản xuất ô tô để hưởng lợi từ việc thuế suất về 0\% trong năm 2018” từng gây xôn xao dư luận gần đây.

    Trả lời báo chí trong buổi lễ ra mắt mẫu xe Camry thế hệ 2015 diễn ra vào sáng 21/4 tại Hà Nội, ông Yoshihisa Maruta - Tổng giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam (TMV) cho biết: “Chúng tôi có thể kết luận là hoàn toàn không có việc đó. TMV luôn mong muốn sản xuất tại Việt Nam và hiện đang tìm mọi cách duy trì sản xuất”.

    Trước đó, như nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp tổng kết năm tài chính 2014 diễn ra hồi đầu tháng 4/2015, Tổng giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam - ông Yoshihisa Maruta cho biết liên doanh ôtô Việt Nam đang cân nhắc việc ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất, lắp ráp để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc kể từ năm 2018 do phải đối mặt với lộ trình giảm thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực Đông Nam Á về mức 0\%.

    Tuy nhiên, trong một sự kiện của TMV diễn ra vào ngày 21/4, ông Maruta đã chính thức phủ nhận hoàn toàn thông tin trên trước đông đảo gần 80 cơ quan truyền thông, báo chí.

    Tổng giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam - ông Yoshihisa Maruta 

    Video: Toyota Việt Nam ngừng sản xuất ô tô

    “Tôi nghĩ rằng đã có một sự hiểu lầm ở đây. Tôi có thể khẳng định TMV hoàn toàn không có ý định rời bỏ thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam như báo chí đã đưa tin trước đó.

    Trái lại, Toyota luôn mong muốn và nỗ lực bằng mọi cách để có thể tiếp tục gắn bó và phát triển mảng này tại Việt Nam.

    Tất nhiên chúng ta đều biết, thời điểm 2018 khi thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN còn 0\%, Toyota sẽ vẫn tiếp tục cố gắng để tăng sức cạnh tranh về chi phí sản xuất so với các nước trong cùng khu vực.

    Một lần nữa, thông tin TMV có ý định dừng sản xuất xe là không hề có thật” – ông Maruta cho biết.

    Giải thích rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến hiểu lầm này, bà Lê Thị Hương Dịu - đại diện truyền thông Toyota Việt Nam trao đổi với phóng viên ANTT.VN cho biết, theo đúng lời phát biểu ở lần tiếp xúc báo chí trước của ông Maruta thì quy trình để sản xuất 1 chiếc ô tô phải mất 3 năm và thời điểm hiện tại là lúc cần phải có chính sách phát triển rõ ràng cho ngành công nghiệp ô tô để TMV có thể đưa ra kế hoạch.

    Thế nhưng cho đến lúc này, Chính phủ vẫn chưa đưa ra chính sách cụ thể nào, chính vì vậy TMV đang gặp khó khăn trong việc hoạch định tương lai và một số hãng ô tô tại Việt Nam có nhiều khả năng sẽ chuyển hướng từ sản xuất sang nhập khẩu.

    “Ở đây, khi ông Maruto nói về khả năng dừng sản xuất của một số hãng ô tô tại Việt Nam thì báo chí lại tự quy chụp là ông đang nói về dự định của TMV, trong khi TMV không hề nghĩ tới chuyện đó” – bà Dịu lý giải.

    Khi được hỏi, liệu đây có phải là lời nhắn nhủ “thỉnh cầu” về một chính sách rõ ràng, cụ thể cho thị trường ô tô mà TMV muốn gửi tới Chính phủ Việt Nam, bà Dịu cho biết, “TMV chỉ đang nêu lên thực trạng và bản chất của vấn đề”.

    "Chỉ hơn Lào, Campuchia về số GS, TS"

    Nhìn nhận về nền công nghiệp sản xuất ô tô của VN, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho biết: "Chiến lược quy hoạch và chiến lược phát triển ô tô trong nước từ trước đến nay, đều không có quy hoạch rõ ràng. Thị trường ô tô nội địa chỉ là sân chơi cho một số tập đoàn ô tô lớn đầu tư vào VN, nhưng chủ yếu là lắp ráp, cụ thể như tập đoàn của Ford, châu Âu, Hàn Quốc".

    "Thông tin Toyota Việt Nam có ý định dừng sản xuất xe là không hề có thật”, sếp lớn của Toyota Việt Nam khẳng định.

    Bên cạnh đó, theo ông Nam, thời gian qua, DN ô tô nội địa cũng đã phá sản nhiều, chỉ làm được một vài loại hình ô tô đơn giản, công nghệ không phức tạp.

    Đáng lẽ ra, nếu muốn sản xuất ô tô thì phải nắm bắt được khoa học công nghệ sản xuất, trình độ kỹ thuật tiên tiến, nhưng ở đây, DN nào cũng chỉ lắp ráp kiếm lời trước mắt, nên VN mãi chỉ là thị trường tiêu thụ ô tô, giỏi lắp ráp.

    Ông Nam khẳng định: "Phải làm bằng năng lực của mình, khoa học công nghệ của mình, bằng công nhân, kỹ sư của mình, không nên để ngành công nghiệp cơ khí VN kém xa thế giới. Từ trước đến nay, ngành cơ khí vẫn dường như bị bỏ bê, không được quan tâm, chúng ta mới chỉ quan tâm đến những chiến lược trên trời - dưới biển.

    Thực trạng đau lòng hơn, đó chính là hiện nay, chỉ có khoảng 10\% DN lắp ráp, còn lại toàn DN nước ngoài lắp ráp, có nghĩa chúng ta đang đi làm giàu cho DN nước ngoài. Đến bây giờ không một hãng nào quy hoạch VN là điểm sản xuất ô tô, mà lựa chọn hầu hết là các nước xung quanh, VN chỉ là thị trường lắp ráp và tiêu thụ, để thấy sai lầm trong chiến lược phát triển ngành cơ khí và ô tô của VN".

    Đồng tình quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nhận định: "Hiệu quả của ngành công nghiệp ô tô sau bao nhiêu năm đề ra mục tiêu nội địa hóa, rõ ràng rất kém hiệu quả, thị trường ô tô trong nước thấp, nên hoàn toàn bị lép vế trước thị trường nước ngoài".

    Vì vậy, theo ông Doanh cần phải xác định rõ mục tiêu cụ thể, xác định rõ con đường đi của ngành công nghiệp này, nhất là sau mấy chục năm cuối cùng vẫn chỉ là thợ ăn lương hàng tháng.

    Nhìn nhận ở góc độ khác, Th.S Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới lại cho rằng: "Công nghiệp ô tô chúng ta đi trước Campuchia cả mấy chục năm, nhưng trong 20 năm phát triển ngành công nghiệp này VN vẫn là lắp ráp, gia công trong khi Campuchia đã đón nhận chiếc ô tô tự sản xuất đầu tiên. VN chỉ có niềm tự hào lớn nhất, hơn Lào và Campuchia được công nghệ đào tạo và số lượng tiến sĩ, giáo sư.

    Tức là họ làm có chủ đích, có ý đồ để vươn tới làm chủ công nghệ, khẳng định vị thế trong khi VN chỉ quan tâm tới GDP và tiền bạc".

    Hơn nữa, nhất là trong bối cảnh thế giới đang cạnh tranh dữ dội nhưng VN trong tay không có gì từ công nghệ, trình độ quản lý tới tiềm năng kinh tế, tức là cứ nằm chờ cơ hội đưa đẩy mình thì rất nguy hiểm. Cứ với cách làm thụ động, ngồi yên để đi từ giật mình này tới giật mình khác, chỉ trong vài năm tới VN sẽ phải đuổi theo Lào và Campuchia.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/toyota-viet-nam-ngung-san-xuat-o-to-sep-toyota-viet-nam-noi-gi-a92025.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan