+Aa-
    Zalo

    Tốt nghiệp THPT 2014: Thí sinh vẫn bấu víu “phao”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 2/6, gần 1 triệu học sinh lớp 12 bắt đầu bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi về môn thi và thời gian thi nhằm giảm áp lực...

    Hôm nay (2/6), gần 1 triệu học sinh lớp 12 bắt đầu bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi về môn thi và thời gian thi nhằm giảm áp lực thi cử cho thí sinh.

    Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trước ngày thi, nhiều thí sinh vẫn chuẩn bị “phao” để sử dụng trong kỳ thi này.

    Lắm chiêu “phao”

    Sáng 1/6, sau khi tập trung tại hội đồng thi để nghe quy chế, thay vì về nhà nghỉ ngơi ôn tập, nhiều học sinh đã tìm đến các cửa hàng photocopy để… mua “phao”. Đi cùng một nhóm học sinh vào quán photocopy trên đường Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội), em Nguyễn Văn P. học sinh Trường THPT Xuân Đỉnh đã mua 2 tệp tài liệu “ruột mèo” cho môn địa lý và văn giá 100.000 đồng. P. cho biết: “Mặc dù đã ôn tập đầy đủ nhưng em cứ mang vào cho… yên tâm. Nếu thầy cô coi dễ mình có thể kiểm tra lại kiến thức cho chắc chắn”.

    Tốt nghiệp THPT 2014: Thí sinh vẫn bấu víu “phao”
    Thí sinh đang mua “phao” tại một cửa hàng photocopy trên đường Xuân Thủy, Hà Nội.

    Chỉ có học lực trung bình nên Trần Văn H. học sinh Trường THPT Vân Nội, Đông Anh (Hà Nội) rất lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp. Mấy hôm trước, H. đã đi photocopy thu nhỏ tài liệu ôn tập môn văn để “phòng thủ”. Các công thức toán, hóa cơ bản được H. tỷ mẩn “khắc” vào thước kẻ và mặt sau máy tính cầm tay nhằm dễ dàng mang vào phòng thi. Vẫn biết là sẽ khó sử dụng được nhưng H. cho biết: “Nếu mình không mang theo, gặp thầy cô coi dễ, mọi người xem được thì mình thiệt”.

    Tinh vi hơn, Hồ Quang M. học sinh Trường THPT Bán công Tiền Hải (Thái Bình) còn viết bằng bút… hết mực các kiến thức cơ bản môn địa lý vào Atlas – tài liệu duy nhất được cho phép mang vào phòng thi môn địa lý. Với “chiêu” này, M. hy vọng sẽ dễ dàng kiếm điểm cao ở môn địa để bù cho các môn học khác vì lực học của M chỉ ở mức trung bình.

    Theo một chủ cửa hàng photocopy trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội), gần đến ngày thi học sinh tìm đến mua và photocopy tài liệu nhiều hơn. Mỗi tệp tài liệu “ruột mèo” của một môn được bán với giá 50.000 đồng, tài liệu được mua nhiều chủ yếu là các môn: Văn, sử, địa, sinh. Tuy nhiên, năm nay thay vì mua nhiều tài liệu có sẵn, học sinh có xu hướng mang tài liệu ôn tập ở lớp đến quán để photocopy thu nhỏ.

    Chủ quán này còn cho biết, rất nhiều học sinh tìm hỏi mua “bút bi lốc xoáy” – là loại bút của Trung Quốc có thể cuộn tài liệu vào trong nhưng cửa hàng năm nay không nhập bán loại hàng này.

    Đề thi khó dùng “phao”

    Nhiều chuyên gia giáo dục, các giáo viên đã đưa ra lời khuyên và cảnh báo thí sinh, với chủ trương của Bộ GDĐT, năm nay đề thi sẽ khó có “đất” cho việc sử dụng tài liệu, “phao” thi. Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường THPT Bán công Tiền Hải (Thái Bình) cho biết:

    “Trước khi kết thúc ôn tập tôi đã lưu ý thí sinh, đối với các môn thi tự luận như văn, năm nay đề thi sẽ ra theo hướng mở yêu cầu kỹ năng và hiểu biết xã hội, phần đọc hiểu cũng rất khó sử dụng được tài liệu vì chủ yếu dựa vào hiểu biết của học sinh về văn bản. Hơn nữa thời gian thi cũng bị rút ngắn, nếu thí sinh không tập trung làm bài mà chỉ trông chờ vào tài liệu sẽ không còn thời gian làm bài”.

    Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Các thí sinh hãy lưu ý giữ gìn sức khoẻ, tự tin làm bài tốt, đặc biệt phải tuân thủ quy chế, không mang vào phòng thi vật dụng trái quy định. Các em cũng cần chú ý nhớ lịch thi và giờ thi để tránh nhầm lẫn và đến phòng thi muộn giờ”.

    Thầy Nguyễn Văn Phong, giáo viên một trường THPT ở Yên Thế (Bắc Giang) khuyên:

    “Năm nay, học sinh được tự chọn môn thi, vì vậy các em có thể tránh được các môn mà mình học không tốt, phải dựa vào “phao” thi. Những năm trước đi coi thi, 2 môn sử, địa thường “bắt” được nhiều tài liệu nhất thì năm nay chỉ có những học sinh học tốt các môn này mới chọn thi, tỷ lệ rất ít. Hơn nữa, 50\% điểm đỗ đã phụ thuộc vào học bạ, vì vậy, việc mang “phao” thi là không cần thiết”.

    Khẳng định vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD - ĐT cũng cho biết: “Bộ đảm bảo sẽ ra đề thi không đánh đố, không quá dài về thời gian làm bài và không quá sức với mặt bằng chung và khả năng học sinh học hết chương trình lớp 12. Đề thi cũng mang tính chất phân loại học sinh vì vậy những học sinh trung bình nếu chăm chỉ học tập là có thể đỗ tốt nghiệp”. Cũng theo ông Trinh, cách ra đề thi đòi hỏi học sinh hiểu vấn đề chứ không dựa vào thuộc lòng, học vẹt, học tủ một cách máy móc, chính vì vậy dùng “phao” sẽ khó mà đạt điểm tốt.

    Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GDĐT cảnh báo thí sinh không nên mang tài liệu vào phòng thi, kể cả chỉ mang cho… yên tâm. Vì, nếu bị phát hiện có mang tài liệu thí sinh sẽ bị đánh dấu bài thi, trường hợp sử dụng tài liệu bị phát hiện thí sinh sẽ bị hủy bài thi ngay lập tức.

    Cũng theo thanh tra Bộ, việc thanh tra thi năm nay sẽ được thực hiện rất nghiêm túc, ngoài 2 cán bộ coi thi trong phòng, 1 cán bộ hành lang, đội ngũ thanh tra sẽ thực hiện thanh tra đột xuất các địa điểm thi. Nếu phát hiện thí sinh dùng “phao”, không chỉ thí sinh mà cán bộ coi thi cũng bị liên đới tránh nhiệm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tot-nghiep-thpt-2014-thi-sinh-van-bau-viu-phao-a35193.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan