Nghĩa trang Hàng Dương
Với tổng diện tích khoảng 190.000m2, Hàng Dương là nghĩa trang lớn nhất ở Côn Đảo. Nghĩa trang này được xây dựng vào năm 1992, chia thành 3 khu là khu A, khu B và khu C, về sau mới mở rộng thêm khu D.
Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của gần 20.000 tù nhân chính trị đã qua đời ở Côn Đảo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thế nhưng hiện tại chỉ còn dấu vết của khoảng 1.921 phần mộ và chỉ có 713 phần mộ biết được danh tính.
Mộ của liệt sĩ Võ Thị Sáu nằm ở khu C của nghĩa trang Hàng Dương, được rất nhiều người ghé đến nhang khói bởi họ tin rằng cô Sáu sẽ luôn che chở cho những người thành tâm, có tấm lòng hướng thiện.
Thông thường mọi người sẽ tới viếng mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu vào khoảng 22h, khi này không khí u tịch và rất tĩnh mịch, những đốm nhang sáng rực trong đêm như minh chứng cho lòng thành kính mà mọi người dành cho cô.
Nghĩa trang Hàng Keo
Nghĩa trang Hàng Keo có tổng diện tích khoảng 80.000m2, nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ. Đây là nơi chôn hơn 10.000 tù nhân do Pháp giam cầm. Tuy không rộng lớn và nổi tiếng như nghĩa trang Hàng Dương nhưng nghĩa trang Hàng Keo vẫn luôn là điểm đến thu hút du khách ghé thăm Côn Đảo.
Chùa Núi Một
Chùa Núi Một (còn gọi Vân Sơn Tự) là địa điểm tâm linh ở Côn Đảo rất nổi tiếng và thu hút khách tham quan. Ngôi chùa này có tổng diện tích 19.434m2, được xây dựng vào năm 1964. Chùa Núi Một nằm ở lưng chừng núi, khá thuận tiện để các du khách di chuyển vì chỉ cách trung tâm thị trấn khoảng 1.6km. Chùa gây ấn tượng với kiến trúc đậm chất Phật giáo, khu vực bên trong của chùa thờ Phật và Bồ Tát.
Từ trên đỉnh chùa Núi Một, các du khách có thể chiêm ngưỡng từ xa vịnh Côn Sơn đẹp tựa như bức tranh.
Miếu bà Phi Yến
Miếu bà Phi Yến (An Sơn Miếu) là một địa điểm du lịch tâm linh khác ở Côn Đảo mà du khách không thể bỏ lỡ. Nơi đây thờ thứ phi Hoàng Phi Yến - vợ vua Nguyễn Ánh. Bà là một người đức độ, nhân từ nhưng đã phải gieo mình bỏ mạng bởi sự nghiệt ngã của số phận.
Theo tương truyền của người dân Côn Đảo, bà rất linh thiêng, cùng hoàng tử Cải là con trai bà, đã nhiều lần hiển linh để giúp đỡ người dân nơi đây tránh được những sự cố nguy nan.
Miếu bà Phi Yến được xây dựng với lối kiến trúc truyền thống của đền chùa Việt Nam thế kỷ XX. Khuôn viên miếu khá rộng, với nhiều cây xanh, không khí trong lành, mát mẻ. Bên trong chánh điện thờ bà Phi Yến và những vị thần theo tín ngưỡng đạo Phật.
Vào ngày 17/10 và 18/10 âm lịch hàng năm, người dân sẽ tổ chức làm cỗ chay để giỗ bà Phi Yến. Nếu có dịp đến Côn Đảo trong khoảng thời gian này thì đây chính là địa điểm du lịch tâm linh Côn Đảo rất lý tưởng dành cho các du khách.
Miếu Cô Vân Tiên Cảnh
Chưa rõ Miếu Cô Vân Tiên Cảnh được xây dựng vào thời điểm nào, chỉ có một câu chuyện mà người dân tương truyền lại rằng, ngư dân đã gặp thi thể của một cô gái với giấy tờ bị nhòe màu, chỉ còn thấy rõ một chữ Vân.
Ban đầu, người dân chỉ giúp chôn cô tại Hòn Cau Côn Đảo, tuy nhiên, về sau có nhiều người chứng kiến cô Vân hiển linh, giúp các ngư dân thuận lợi đánh bắt cá, ai cầu tài lộc đều được phù hộ nên lập nên miếu thờ này.
Cho tới ngày nay, du lịch tâm linh Côn Đảo ngày càng phát triển cũng giúp miếu Cô Vân Tiên Cảnh được nhiều người biết đến hơn.
Nhà tù Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo cũng là một trong những địa điểm tâm linh mà các du khách không thể không ghé thăm khi có dịp khám phá Côn Đảo. Nơi đây chính là nơi giam giữ, đày ải hơn 2.000 chiến sĩ cách mạnh trong hai cuộc kháng chiến, là “địa ngục trần gian” với 127 phòng giam u tối, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập.
Rất nhiều anh hùng dân tộc đã ngã xuống, khiến nhà tù Côn Đảo ngày nay dù đã cải tạo nhưng vẫn mang không khí có đôi phần u ám và linh thiêng.
Năm 2012, nhà tù Côn Đảo được Thủ tướng Chính Phủ ký quyết định xếp hạng vào Di tích Quốc gia đặc biệt. Nơi này cũng có khu vực đền thờ để khách tham quan dâng hương tưởng niệm, thể hiện lòng biết ơn đối với những chiến sĩ đã ngã xuống vì dân tộc.