Tại cuộc họp với phái đoàn các nhà lãnh đạo châu Phi ở thành phố St. Petersburg hôm 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ Moscow và Kiev từng đồng ý với các điều khoản chung về đảm bảo tính trung lập và an ninh của Ukraine trong quá trình đàm phán hòa bình vào tháng 3/2022.
Lịch sử bài viếtTuy nhiên, văn bản có tên Hiệp ước về Trung lập vĩnh viễn và Đảm bảo an ninh cho Ukraine sau đó đã bị phái đoàn Ukraine hủy bỏ bấp chấp việc hai bên đã từng ký kết trước đó.
Hãng tin RT đưa tin, bản dự thảo Hiệp ước trên quy định Ukraine phải tôn trọng "sự trung lập vĩnh viễn" trong Hiến pháp quốc gia. Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Pháp là các bên đảm bảo an ninh. Ngoài ra, phần phụ lục của dự thảo đưa ra đề xuất của Nga và Ukraine về quy mô quân đội thường trực, và số lượng thiết bị quân sự của Ukraine trong thời bình.
Cụ thể, Moscow đề xuất giới hạn số lượng binh sĩ Ukraine là 85.000 người, và số lượng thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia là 15.000 người. Trong khi, Kiev đề xuất các lực lượng vũ trang nước này cần 250.000 quân.
Ông Putin tiết lộ thêm, Nga đề xuất Ukraine được phép sở hữu 342 xe tăng, 1.029 xe bọc thép, 96 bệ phóng tên lửa đa năng, 50 máy bay chiến đấu, và 52 máy bay “phụ trợ”. Số lượng lựu pháo, tên lửa phòng không và vũ khí chống tăng của Ukraine cũng đã được đại diện 2 bên thảo luận.
Tuy nhiên, chính quyền Kiev thời điểm đó lại muốn có 800 xe tăng, 2.400 xe bọc thép, 600 bệ phóng tên lửa đa năng, 74 máy bay chiến đấu, và 86 máy bay "phụ trợ".
Sau nhiều lần bất đồng ý kiến, các cuộc đàm phán giữa đại diện 2 bên đã chấm dứt sau khi quân đội Nga rút khỏi thủ đô Kiev. Ông Putin cũng lên tiếng cáo buộc phía Ukraine phải chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán hòa bình này.
"Sau khi chúng tôi rút quân khỏi Kiev như những gì đã hứa, nhà chức trách Kiev đã ném bản dự thảo hiệp ước này vào chốn hư vô của lịch sử. Họ đã từ bỏ mọi thứ. Chả có điều gì có thể đảm bảo họ sẽ không làm vậy trong tương lai. Tuy nhiên, dù có bất cứ điều gì xảy ra, chúng tôi vẫn chưa bao giờ từ chối đàm phán", Tổng thống Putin hôm 17/6 nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp với phái đoàn châu Phi vào ngày 16/6, đã bác bỏ sáng kiến hòa bình gồm 9 điểm để chấm dứt chiến sự mà Liên minh châu Phi đưa ra. Ông Zelensky khẳng định cuộc đàm phán chỉ có thể bắt đầu sau khi Moscow trao lại Crimea đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014, cùng 4 khu vực khác đã sáp nhập vào Nga hồi tháng 9/2022 là Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson.
Phương Uyên(T/h)