Theo thông tin mới nhất từ tờ European Pravda, ngày 20/8, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại căn cứ không quân Eindhoven, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trả lời những câu hỏi của phóng viên liên quan đến triển vọng đàm phán hòa bình với Nga.
Cụ thể, ông Zelensky nhấn mạnh mọi cuộc đàm phán hòa bình với Nga đều phải được tổ chức dựa trên nền tảng nội dung của "công thức hòa bình 10 điểm” do Ukraine đưa ra vào cuối năm ngoái. Nhà lãnh đạo Ukraine đồng thời cũng bác bỏ đề xuất nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy hòa bình.
"Chúng tôi có văn bản duy nhất, chúng tôi có công thức hòa bình riêng và mục tiêu của chúng tôi là hòa bình. Chúng tôi đã xác định cách nhìn nhận và sẵn sàng thảo luận một cách cởi mở với các bên. Hòa bình phải đi kèm với khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", ông Zelensky cho hay.
Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine đều đã đi vào bế tắc kể từ tháng 3/2022. Đến nay, hai bên khẳng định vẫn sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, nhiều đề xuất hoà bình đã được đưa ra chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky từng nhiều lần tuyên bố, hòa đàm chỉ diễn ra khi đối phương rút hết quân và khôi phục lãnh thổ cho Ukraine. Trong khi đó, phía Nga lại cho rằng “công thức hòa bình 10 điểm” của Ukraine không bám sát thực tế.
Trước đó, ngày 26/7, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev khẳng định Moscow sẵn sàng đàm phán hòa bình với Kiev và quá trình này cần phải có sự tham gia của các quốc gia phương Tây. Ông Patrushev cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang làm tất cả những gì có thể để khiến xung đột leo thang, đặc biệt là bằng cách tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ và các quốc gia phương Tây đã liên tục gửi viện trợ quân sự giúp Kiev. Theo tước tính của hãng thông tấn Tass, tính đến tháng 3 năm nay, tổng viện trợ mà Ukraine nhận được đã lên tới 150 tỷ USD.
Trong đó, viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine rơi vào khoảng 48,5 tỷ USD - gần bằng 95% ngân sách quốc phòng năm 2022 của Nga. Mỹ là quốc gia ủng hộ lớn nhất của Ukraine khi đã phê duyệt khoản viện trợ hơn 100 tỷ USD cho nước này.
Ngày 14/8, Lầu Năm Góc tiếp tục công bố gói viện trợ trị giá 200 triệu USD dành cho Ukraine. Đây cũng là gói viện trợ quân sự thứ 44 mà Washington gửi đến Kiev kể từ khi chiến sự với Moscow bùng nổ.
Qua gói viện trợ quân sự mới, Ukriane sẽ nhận được những loại đạn dược “quan trọng” cho hệ thống phòng không Patriot và hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất, đạn xe tăng 120mm, tên lửa chống tăng TOW và Javelin cùng các loại vũ khí và hệ thống chống tăng khác.
Lầu Năm Góc cũng cam kết cung cấp thêm 37 phương tiện hậu cần, 58 xe bồn dùng để vận chuyển nước, hơn 12 triệu viên đạn dành cho vũ khí nhỏ và lựu đạn, thiết bị rà phá bom mìn, chất nổ để dọn chướng ngại vật, phụ tùng thay thế và các thiết bị dã chiến khác.
Phương Uyên(Theo Pravda và Tass)