RT đưa tin ngày 9/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thành luật hiệp ước đối tác chiến lược Nga-Triều Tiên mà ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký trong chuyến công du Bình Nhưỡng vào tháng 6.
Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) đã phê chuẩn hiệp ước vào tuần này, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã thông qua hiệp ước vào tháng trước.
“Phê chuẩn Hiệp ước đối tác toàn diện giữa Liên bang Nga và Triều Tiên, được ký tại Bình Nhưỡng vào ngày 19/6/2024”, theo văn bản do ông Putin ký.
Hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực sau khi hai bên trao đổi các văn kiện phê chuẩn.
Trước đó, hôm 7/11, trong phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ thảo luận Valdai, một nhóm nghiên cứu tại Moscow, ông Putin cho biết hiệp ước Nga và Triều Tiên ký gần đây không có gì mới, mà hai nước đã quay trở lại một văn bản tương tự từ thời Liên Xô.
"Hiệp ước mà chúng tôi ký với Triều Tiên là hiệp ước mà chúng tôi từng ký với các quốc gia khác. Đó là thời Liên Xô, sau đó tất nhiên là nó không còn tồn tại nữa, và chúng tôi thực sự đã quay trở lại với hiệp ước đó. Chỉ vậy thôi. Không có gì mới cả", vị tổng thống Nga nói.
Ông Putin cũng đề cập đến khả năng Nga và Triều Tiên tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung.
"Tại sao không? Chúng ta hãy cùng chờ xem", ông Putin nói, trích dẫn Hiệp ước Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà ông đã ký với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng vào tháng 6.
Hiệp ước phác thảo sự hợp tác chiến lược toàn diện mà 2 nước dự định duy trì, bao gồm các vấn đề an ninh quốc gia. Hiệp ước nêu rõ không bên nào sẽ ký kết các hiệp ước với bên thứ ba xâm phạm chủ quyền của bên kia.
Bên cạnh đó, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào một trong 2 quốc gia, quốc gia còn lại cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ, bao gồm cả các phương tiện quân sự, như được Hiến chương Liên hợp quốc cho phép.
"Đây thực sự là một văn kiện mang tính đột phá", ông Putin phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Theo ông Yury Ushakov - trợ lý tổng thống Nga, hiệp ước mới này thay thế các hiệp ước hữu nghị và hỗ trợ lẫn nhau năm 1961, hiệp ước năm 2000 về quan hệ song phương và Tuyên bố Moscow và Bình Nhưỡng năm 2000 và 2001.
Ông Ushakov nhấn mạnh rằng hiệp ước mới là cần thiết vì những thay đổi sâu sắc về tình hình địa chính trị trong khu vực và trên thế giới cũng như trong quan hệ song phương giữa Nga và Triều Tiên.
Quan chức Điện Kremlin lưu ý rằng hiệp ước mới sẽ tuân thủ tất cả các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, sẽ không mang tính đối đầu hay chống lại bất kỳ quốc gia nào mà nhằm mục đích đảm bảo sự ổn định cao hơn ở Đông Bắc Á.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết, hiệp ước sẽ đưa quan hệ giữa Nga và Triều Tiên lên một tầm cao mới và góp phần "tạo ra một hệ thống quốc tế đa cực công bằng".
Ông Andrey cho biết thêm, Moscow đang tìm cách "kiềm chế các mối đe dọa ngày càng tăng trong khu vực từ phương Tây đang theo đuổi việc tạo ra các liên minh quân sự - chính trị khép kín ở châu Á - Thái Bình Dương".
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 10, ông Putin cho biết Nga và Triều Tiên sẽ tự quyết định việc có áp dụng điều khoản hỗ trợ quân sự của Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện hay không và áp dụng như thế nào.