+Aa-
    Zalo

    Tổng thống Putin ký ban hành luật đình chỉ tham gia hiệp ước New START

    (ĐS&PL) - Tổng thống Nga đã ký ban hành luật đình chỉ việc tham gia vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START).

    Ngày 28/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật đình chỉ việc tham gia vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START). Văn kiện này đã được đăng tải trên cổng công báo chính thức. Luật có hiệu lực kể từ ngày công bố. Quyết định tham gia lại Hiệp ước của Moskva, theo văn kiện, sẽ do Tổng thống quyết định.

    nga ky ban hanh luat dinh chi tham gia hiep uoc new start 1
    Tên lửa tàng hình Iskander-M của Nga. Ảnh minh hoạ

    Trước đó, việc Nga ngừng tham gia New START được Tổng thống Putin tuyên bố hôm 21/2 trong thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội, vì Moskva không có cơ hội tiến hành các cuộc thanh sát chính thức theo thỏa thuận này. Tổng thống Nga cũng gắn quyết định này với tình hình ở Ukraine và rất ngạc nhiên trước mong muốn thanh sát các cơ sở quốc phòng Nga của Mỹ.

    Bên cạnh đó, theo ông Putin, Mỹ không tuân thủ các điều khoản đã được ký kết và đang sử dụng chính hiệp ước này như một công cụ để làm suy yếu nước Nga. 

    Ông cáo buộc các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ và các đồng minh NATO đang nhắm vào Nga, đồng thời quan ngại về dự án phát triển các loại vũ khí mới của phương Tây.

    Tổng thống Nga yêu cầu Bộ Quốc phòng phải đảm bảo sẵn sàng cho việc thử nghiệm hạt nhân của Nga nếu phía Mỹ tiến hành một hoạt động như vậy.

    Ông Putin cũng cáo buộc phương Tây có liên quan trực tiếp đến các nỗ lực tấn công các căn cứ không quân chiến lược của nước này.

    Hiệp ước New START đã được ký kết tại Praha (Cộng hòa Séc) vào năm 2010 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev. Bắt đầu từ đầu năm 2011, Washington và Moskva đã có 7 năm để thu hẹp kho dự trữ vũ khí tấn công chiến lược.

    Cụ thể, mỗi quốc gia được giới hạn 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng được trang bị để vận chuyển vũ khí hạt nhân; 1.550 đầu đạn hạt nhân trên các phương tiện này và 800 bệ phóng "đã triển khai và chưa triển khai". 

    Theo các điều khoản, các đoàn thanh sát của Mỹ và Nga có thể tiến hành 18 cuộc thanh sát thông báo ngắn đối với các địa điểm hạt nhân của quốc gia kia mỗi năm, để xác minh rằng bên kia đang thực hiện đúng thỏa thuận. Cả hai quốc gia đều đáp ứng các giới hạn được nêu trong hiệp ước.

    Tuy nhiên, các cuộc đàm phán để gia hạn thỏa thuận bị đình trệ dưới thời Tổng thống Donald Trump khi chính quyền của ông gọi hiệp ước này là “thiếu sót sâu sắc” vì nó không bao gồm vũ khí hạt nhân “chiến thuật” tầm ngắn hơn. Trong tháng đầu tiên nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, ông đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Putin để gia hạn New START trong 5 năm (đến 2026)...

    Mặc dù, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế của hiệp ước, nhưng việc đình chỉ hiệp ước có thể đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ khó giám sát hơn. Nga đã đình chỉ các cuộc thanh tra về các địa điểm vũ khí hạt nhân và ngừng tham gia vào một ủy ban tư vấn song phương. Các chuyên gia cho rằng sẽ là một đòn nghiêm trọng nếu Nga đi xa hơn và ngừng báo cáo, trao đổi dữ liệu thường niên về các kho vũ khí hạt nhân và các diễn biến liên quan khác.

    Trước đó, Mỹ cũng đã rút khỏi một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí ký với Nga như Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tong-thong-putin-ky-ban-hanh-luat-dinh-chi-tham-gia-hiep-uoc-new-start-a567325.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan