Phát biểu tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế Quốc tế diễn ra tại thành phố St. Petersburgôm 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra những cảnh báo đanh thép nhằm vào chiến dịch phản công của quân đội Ukraine.
Theo ông Putin, sau mỗi đợt tấn công của quân đội Ukraine, Moscow luôn luôn đưa ra những động thái trả đũa kịp thời và tương xứng.
"Chúng tôi đã tấn công các mục tiêu quân sự của đối phương với vũ khí chính xác tầm xa. Các đợt tấn công này đã đạt được kết quả tốt. Nhiều kho chứa đạn và vũ khí, doanh trại của binh sĩ và các lính đánh thuê nước ngoài tại Ukraine đã bị phá hủy. Chúng tôi luôn đưa ra những đòn trả đũa kịp thời", ông Putin nói.
Ông Putin cảnh báo Kyiv phải hiểu rằng trong trường hợp tiếp tục xảy ra các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, Moscow sẽ xem xét thiết lập một "hàng rào bảo vệ" ở Ukraine.
"Nếu các vụ tấn công nhằm vào lãnh thổ của chúng tôi được tiếp tục, Moscow sẽ cân nhắc dựng một hàng rào sắt tại Ukraine", ông Putin cảnh báo.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin tiết lộ Nga đang làm hết sức có thể để đưa các tù binh bị Ukraine bắt giữ trở về nước.
"Việc đưa các tù binh trở về đang được tích cực thực hiện. Quá trình này nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác và bạn bè của chúng tôi như Ả Rập Xê Út hay Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất", ông Putin cho biết thêm.
Trong hôm nay, Tỉnh trưởng Alexander Bogomaz của tỉnh Bryansk, thuộc Nga giáp với Ukraine, viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng các đơn vị phòng không Nga đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trong đêm nhắm vào một trạm bơm thuộc đường ống dẫn dầu Druzhba, theo Reuters.
Các cuộc tấn công bằng UAV bên trong nước Nga gia tăng trong những tuần gần đây, thường nhắm vào các cơ sở năng lượng. Nga đổ lỗi cho Ukraine, trong khi Kyiv không công khai nhận trách nhiệm về mình, theo Reuters.
Ở một động thái khác, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lên tiếng cảnh báo rằng Moscow đã sẵn sàng để đưa ra các biện pháp đáp trả mang tính "quân sự và kỹ thuật" nếu phương Tây cung cấp tiêm kích F-16 cho quân đội Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh lo ngại của Nga về việc các tiêm kích F-16 có thể mang theo vũ khí hạt nhân sau khi được chuyển giao cho Ukraine.
Những tháng gần đây, giới chức Ukraine ra sức kêu gọi phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu F-16 để tăng cường năng lực kiểm soát trên không. Đề nghị này chưa được đáp ứng do Mỹ viện dẫn một số lý do khác nhau như việc vận hành F-16 đòi hỏi thời gian huấn luyện và vấn đề bảo dưỡng cũng phức tạp.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ hôm 18/5 đưa tin mặc dù Washington vẫn từ chối cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chuẩn bị cho việc chấp thuận để các đồng minh tái xuất loại máy bay này cho Kiev. Trước đó, Anh và Hà Lan cam kết sẽ xây dựng một "liên minh quốc tế" để giúp Ukraine nhận máy bay chiến đấu F-16.
Thu Hương (T/h)