(ĐSPL) - Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ tới thăm Việt Nam từ ngày 5 - 7/9 tới. Ông là vị Tổng thống thứ ba của Pháp sang thăm Việt Nam.
Theo Tri Thức Trực Tuyến, chuyến thăm của ông Hollande sẽ nối tiếp sau các chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterrand năm 1993 và Tổng thống Jacques Chirac năm 1997 và 2004.
Chuyến thăm là dịp nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, trao đổi các chủ đề của khu vực và song phương và thăm dò những triển vọng hợp tác, phát triển mới.
Tháp tùng Tổng thống Pháp có Bộ trưởng Tài Chính và Tài khoản công, Quốc vụ khanh phụ trách Phát triển và Pháp ngữ, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại, thủ công, tiêu dùng và kinh tế xã hội và đoàn kết và hơn 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tổng thống Francois Hollande. - Ảnh: Apollonian. |
Tổng thống và đoàn tùy tùng sang Việt Nam bằng hai chuyên cơ, an ninh cũng được đảm bảo ở mức cao nhất với 20 người đi cùng bảo vệ.
"Tôi luôn nói với Tổng thống, Việt Nam như Thụy Sĩ của châu Á, một đất nước yên bình, tình hình an ninh được đảm bảo", ngài Jean - NoelPoirier, đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết.
Trong chuyến thăm của Tổng thống, ông sẽ ở một ngày tại Hà Nội, một ngày tại TP Hồ Chí Minh, ngoài việc tiếp xúc lãnh đạo Việt Nam, ông sẽ gặp gỡ các cựu sinh viên tại Pháp ở cả hai Thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ở Hà Nội, Tổng thống Pháp và đoàn tùy tùng sẽ ở khách sạn Metropole và khách sạn Opera với tổng số 300 phòng, ở TP HCM sẽ ở khách sạn Sofitel Plaza và khách sạn Novetel với số lượng phòng tương tự.
"Cách đây 18 tháng, Tổng thống Pháp đã sang thăm Philippine, Singapore. Tổng Thống nói với tôi, trước khi hết nhiệm kỳ sẽ sang thăm Việt Nam. Tổng thống cũng từng dự kiến sang Việt Nam năm 2015, nhưng đến năm nay mới thực hiện được", ngài Jean - NoelPoirier cho biết.
Những chủ đề lớn của chuyến thăm
Theo Dân Trí, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hollande diễn ra sau khi hai nước ký tuyên bố về Quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013 nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ trên tất cả các lĩnh vực (chính trị, quốc phòng, kinh tế giáo dục và văn hóa). Quan hệ kinh tế; hợp tác văn hóa, khoa học, giáo dục và bảo vệ môi trường là những chủ đề lớn của chuyến thăm này.
Về kinh tế, Pháp là nhà tài trợ ưu tiên của Việt Nam. Trong thời gian từ 1994-2014, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã tài trợ cho 79 dự án của Việt Nam, với tổng trị gia khoảng 1,6 tỷ euro. Trong năm nay, AFD đã đặt mục tiêu cam kết 100 triệu euro dưới hình thức các khoản cho vay ưu đãi.
Hiện Pháp là nhà đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực châu Âu tại Việt Nam, sau Hà Lan và Anh. Hiện có gần 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại quan trọng của Pháp. Xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 2014 đến 2015, và nhập khẩu của Pháp từ Việt nam tăng 32,8\%, đạt 4,1 tỷ euro, đưa Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu của Pháp trong khu vực ASEAN.
Lĩnh vực giáo dục là một phần quan trọng của quan hệ Việt-Pháp. Năm 2015, có khoảng 6.500 sinh viên Việt Nam học tại Pháp và gần 1.300 sinh viên Việt Nam sang Pháp mỗi năm để tiếp tục chương trình đại học tại Pháp.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Pháp đã sớm ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 2006-2015, tổng cộng 525 triệu euro đã được cấp cho Việt Nam thông qua 17 dự án và các chương trình phát triển nhằm chống biến đổi khí hậu và ứng phó các tác động của nó. Các lĩnh vực về phát triển đô thị, năng lượng, nông nghiệp và quản lý nước cũng được đặc biệt chú ý.
Nhân chuyến thăm này, một loạt các thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết, trong đó có các thỏa thuận về môi trường, tư pháp, giáo dục và khoa học, y tế….
GIA BẢO(Tổng hợp)
Nguồn: Người Đưa Tin
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]o0XL09H7Gh[/mecloud]