Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Pháp TF1 hồi tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu cần chuẩn bị cho một cấu trúc an ninh mới trong tương lai.
Theo đó, ông chủ Điện Elysee giải thích: "Điều này có nghĩa là chúng ta cần giải quyết những nỗi lo của Nga - như Tổng thống Vladimir Putin đề cập trước đó - về những mối đe dọa đến từ việc NATO mở rộng và triển khai vũ khí sát biên giới nước này".
Tổng thống Pháp tiếp tục: "Chủ đề này sẽ là chủ đề đàm phán hòa bình. Vậy nên chúng ta cần chuẩn bị cho những gì chúng ta sẵn sàng thực hiện, cách chúng ta bảo vệ các đồng minh và đất nước mình và cách chúng ta đảm bảo an ninh cho Nga khi họ quyết định quay trở lại bàn đàm phán".
Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Litva Linas Linkevicius đã lên tiếng bác bỏ những đề xuất liên quan tới việc nhượng bộ Nga.
Trên trang Twitter, ông Linkevicius viết: "Nga sẽ có đầy đủ sự đảm bảo về an ninh nếu họ không tấn công và sáp nhập các vùng lãnh thổ từ quốc gia láng giềng. Nếu bất kỳ ai mong muống thiết lập một cấu trúc an ninh mới cho phép một quốc gia tiếp tục tấn công nước khác, người đó nên suy nghĩ lại. Điều này sẽ không có hiệu quả".
Trong khi đó, cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak nói rằng mọi thứ chỉ có thể xảy ra sau khi tòa án kết án những người có liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này và áp đặt các khoản bồi thường phù hợp.
Hồi tuần trước, cả Mỹ và Nga đều nói rằng họ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với nhau. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden lưu ý một cuộc trao đổi chỉ có thể được thực hiện khi Moscow cho thấy họ sẵn sàng kết thúc cuộc xung đột kéo dài hơn 9 tháng hiện nay tại Ukraine.
Phía Kiev cũng nhấn mạnh đàm phán chỉ có thể được thực hiện khi Nga ngừng tấn công và ngừng triển khai quân.
Nhiều quan chức Ukraine và phương Tây đã gay gắt phản đối ý tưởng kêu gọi Kiev nhượng bộ để đổi lấy hòa bình trong cuộc xung đột hiện nay, đặc biệt là khi lực lượng Ukraine đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trên các mặt trận quan trọng.
Nhận xét của Tổng thống Macron gần đây cho thấy ông thông cảm với những mối lo ngại và nhu cầu của Nga về việc đảm bảo an ninh. Vấn đề này đã từng được Nga đưa ra trong các cuộc trao đổi ngoại giao với phương Tây trước khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.
Ngày 8/2, trong cuộc họp báo chung với tổng thống Pháp, ông Putin từng khẳng định Nga sẽ tiếp tục tìm kiếm câu trả lời từ phương Tây đối với 3 yêu cầu về đảm bảo an ninh của nước này. Ba yêu cầu này bao gồm: Không mở rộng NATO, không triển khai tên lửa gần biên giới nước này và giảm quy mô cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở châu Âu xuống mức năm 1997. Khi ấy, Mỹ đã gọi những yêu cầu này là "không khả thi".
Minh Hạnh(Theo Euronews)