+Aa-
    Zalo

    Tổng thống Mỹ: Phán quyết của Tòa Trọng tài có tính ràng buộc pháp lý

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama trả lời báo chí về vấn đề Biển Đông kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7 vừa qua.

    Đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama trả lời báo chí về vấn đề Biển Đông kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7 vừa qua.

    Tổng thống Barack Obama phát biểu tại một sự kiện ở Washington DC ngày 22/7. Ảnh: AFP/TTXVN

    Ngày 1/8, trả lời phỏng vấn báo "Strait Times" (Singapore) về vụ kiện Biển Đông, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Philippines đã thực hiện nỗ lực hợp pháp và hòa bình để giải quyết tranh chấp hàng hải với Trung Quốc thông qua Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan).

    Theo ông Obama, phán quyết của tòa đã đưa ra một quyết định rõ ràng và có tính ràng buộc pháp lý đối với các đòi hỏi hàng hải liên quan tới Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, phán quyết này cần được tôn trọng.

    Tổng thống Obama khẳng định Mỹ luôn cam kết bất kỳ hành động nào của mình cũng phù hợp với luật pháp quốc tế và sự tham gia của Mỹ tại châu Á không nhằm vào một quốc gia nào. Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc và các nước có tranh chấp thúc đẩy giải quyết hòa bình các bất đồng ở Biển Đông.

    Mỹ tin rằng mọi quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả trên Biển Đông và đây không phải là một vấn đề có thể lựa chọn. Việc tôn trọng luật pháp là lợi ích của Mỹ, Trung Quốc và thế giới, là nền tảng của ổn định khu vực, đảm bảo sự thịnh vượng và phát triển cho các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc.

    Về chính sách tái cân bằng, Tổng thống Obama tin tưởng chính sách này sẽ được tiếp tục trong nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp do chính sách này thuộc về lợi ích quốc gia của Mỹ và sự tiếp cận của Washington đối với khu vực nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, vững chắc của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

    Theo phán quyết của Tòa Trọng tài công bố ngày 12/7, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn".

    Theo Tòa Trọng tài, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Vành Khăn (Mischief) hay bãi Cỏ Mây (Thomas).

    Tòa Trọng tài cũng khẳng định thực thể Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá", nên không có vùng đặc quyền kinh tế. Tòa Trọng tài cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa.

    Phán quyết của Tòa Trọng tài cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông. Theo Tòa Trọng tài, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.

    Nguồn: TTXVN

    Video tin tức được xem nhiều:

    [mecloud]Bl14C3ieBg[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tong-thong-my-phan-quyet-cua-toa-trong-tai-co-tinh-rang-buoc-phap-ly-a142141.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan