Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe đã cùng dự một bữa tối thân mật nhưng đã không có được thỏa thuận nào về thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Donald Trump tin rằng Mỹ sẽ có lợi thế hơn khi đàm phán song phương với Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, đồng thời khẳng định những chính sách tự do thương mại đa phương trước đây chỉ làm nước Mỹ yếu đi.
Chưa đầy một tuần sau khi nhậm chức, ông Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết giữa 12 quốc gia. Hiệp định này được đàm phán dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, nhưng chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Tổng thống Donald Trump (trái) và Thủ tướng Shinzo Abe - Ảnh: Reuters. |
Tiếp đó, ông Trump liên tục công kích Mexico bằng việc đưa ra ý tưởng áp thuế 20% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico vào Mỹ để buộc Mexico trả tiền xây bức tường ngăn biên giới giữa hai nước.
Trong khi đó, đại diện thương mại Mỹ Peter Navarro cáo buộc Đức dùng đồng euro làm tổn thương nền kinh tế Mỹ và các quốc gia còn lại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trung Quốc và Nhật Bản cũng bị cáo buộc thao túng tiền tệ và làm tràn ngập thị trường Mỹ với hàng hóa xuất khẩu giá rẻ.
Ông Trump chỉ trích TPP và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với mục đích đàm phán lại các điều ước quốc tế và thỏa thuận thương mại theo hướng có lợi hơn cho các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ.
Các chính sách bảo hộ thương mại bằng thuế của ông Trump chủ yếu để ép đối tác thương mại nhượng bộ khi Mỹ đàm phán lại các thỏa thuận cũ và ký kết các thỏa thuận mới.
Hướng tới thỏa thuận tự do thương mại song phương, các quan chức cấp cao của Mỹ lộ rõ ý định mang lợi nhuận về cho nước Mỹ bằng cách hy sinh lợi ích của các đối tác thương mại. Đây không phải lần đầu Mỹ làm như vậy.
Trong suốt chuyến thăm hai ngày của Tổng thống Trump tại Nhật, ông Abe đã công khai tránh né các cuộc thảo luận về những nhượng bộ thương mại mặc dù ông Trump vẫn tiếp tục đề cập đến điều này.
Khoản đầu tư lớn duy nhất được ông Trump đề cập đến là một dự án trị giá 1 tỉ USD của Công ty sản xuất phụ tùng ô tô Denso Corp ở Tennessee. Dự án này khá tương phản với kế hoạch của ông Trump về thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD trong chuyến thăm của ông tại Trung Quốc vào cuối tuần này. Tổng thống Trump đã kêu gọi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản xây thêm nhiều nhà máy ở Mỹ, hoặc cho phép nhập khẩu xe ô tô Mỹ vào Nhật.
Nhật Bản đã không loại trừ mối quan hệ đối tác song phương với Mỹ mà Trump tìm kiếm, nhưng đang dành phần lớn nỗ lực của mình vào "TPP 11". Ông Abe cũng sẽ không sẵn sàng đặt khu vực nông nghiệp có bảo hộ cao của Nhật Bản vào vị trí chịu rủi ro trong một thỏa thuận song phương với Mỹ.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đang rất muốn tìm cách nới lỏng rào cản đối với việc xuất khẩu nông nghiệp và chăn nuôi của Mỹ. Các nhà sản xuất Mỹ lo ngại rằng họ đang đánh mất thị phần và muốn giảm thuế đối với thịt bò, thịt lợn, sữa, rau, hoa quả.
Chính quyền Trump muốn Nhật Bản tăng cường sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại. Ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ đã lên tiếng ủng hộ xây dựng một cảng ở phía Tây Bắc nước Mỹ để gửi các tàu chở dầu chứa đầy LNG đến châu Á. Mỹ cũng hy vọng có thể tăng cường mối quan hệ giữa ngành giao thông của hai nước thông qua việc điều phối các dự án phát triển và bảo trì cơ sở hạ tầng.
Ông Trump đã ca ngợi việc Nhật Bản gần đây đã mua các thiết bị quân sự phòng thủ nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Abe đã liệt kê một số hệ thống phòng thủ tên lửa mà Nhật Bản đang có kế hoạch mua cũng như máy bay tiêm kích F-35A của tập đoàn Lockheed Martin. Tuy nhiên, tất cả các thỏa thuận mua bán này đã được thông báo trước đó.
Hằng Thanh(T/h)