Tham gia cuộc họp với các nhà lãnh đạo G7 tổ chức theo hình thức trực tuyến, Tổng thống Joe Biden được cho sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có COVID-19.
Theo South China Moring Post, hội nghị trực tuyến G7 (Nhóm các nước công nghiệp phát triển) sẽ diễn ra vào ngày 19/2 sắp tới. Đây là hội nghị thượng đỉnh đa phương đầu tiên của Tổng thống Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ và cũng là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo khối này nhóm họp kể từ tháng 4/2020.
Được biết, đối phó với thách thức Trung Quốc là một trong những vấn đề thảo luận chính khi ông Biden họp cùng các nhà lãnh đạo G7. Bên cạnh đó, ông cũng sẽ tập trung vào phản ứng của quốc tế đối với đại dịch COVID-19 và nền kinh tế thế giới.
“Tổng thống Joe Biden sẽ thảo luận về mức độ cần thiết của viêc đầu tư nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh tập thể, tậm quan trong của việc cập nhật các quy tắc toàn cầu để giải quyết những thách thức về kinh tế như thách thức do Trung Quốc đặt ra”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố vào hôm 14/2.
Cũng theo tuyên bố này, thảo luận về phục hồi kinh tế thế giới sẽ có vấn đề “tầm quan trọng của tất cả các nước công nghiệp phát triển duy trì hỗ trợ kinh tế cho sự phục hồi và biện pháp tập thể khác”.
Ông Biden từng cho biết ông có cách tiếp cận khác hoàn toàn so với cựu Tổng thống Donald Trump – người quyết định đưa Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới WHO và không tham gia chương trình Covax nhằm phân phối vaccine COVID-19 ở các quốc gia kém phát triển hơn. Đây cũng là các quyết định mà chính quyền của ông Biden đã đảo ngược.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham gia hội nghị trực tuyến của nhóm G7 tổ chức vào ngày 19/2 tới. Ảnh: AP |
Shen Dingli – một chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định, ông Biden có khả năng thông qua Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này để phát đi tín hiệu về ý định của ông trong việc đưa Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo toàn cầu.
“Tổng thống Biden muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng Mỹ đang trở lại chính trường thế giới, sẵn sàng trở lại vị trí dẫn đầu sau 4 năm dưới sự lãnh đạo của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, trong khoảng thời gian đó, vai trò của Mỹ trên thế giới đã suy giảm nhanh chóng”, ông Shen nói.
Chuyên gia này cho biết thêm, “khi Mỹ tìm các dẫn đầu sự ứng phó toàn cầu đối với đại dịch và giành lại vị thế, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan là liệu nên tham gia cùng hay đưa ra một kế hoạch song song của riêng mình”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về vấn đề này. Trước đó, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying từng cho biết Trung Quốc hoan nghênh Mỹ trở lại các tổ chức thế giới như WHO, đồng thời hy vọng tái xây dựng mối quan hệ và bắt đầu các cuộc đối thoại với chính quyền mới của Mỹ.
Mối quan hệ của Mỹ và Trung Quốc ngày càng tồi tệ, đã rơi xuống mức thấp nhất trong những thập kỷ qua khi hai nước mâu thuẫn với nhau về nhiều vấn đề, trong đó có COVID-19.
Anh đảm nhận vai trò chủ tịch nhóm G7 trong năm 2021, sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo vào tháng 6 tới. Anh đã đề xuất mở rộng nhóm thành một liên minh dân chủ có tên D10, thêm Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, kế hoạch này được cho đã bị hoãn lại do lo ngại rằng việc Australia tham gia sâu hơn vào G7 sẽ bị coi là khiêu khích đối với Trung Quốc trước tình hình quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Dù vậy, Australia cũng được cho là đã được mời tham dự tất cả các phiên họp của hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6.
Đinh Kim(Theo South China Morning Post)