Theo Tổng thống Italy Sergio Mattarella, một cuộc bầu cử sớm cần được tiến hành trong vòng 70 ngày kể từ khi giải tán quốc hội sau quyết định từ chức của Thủ tướng Mario Draghi. Chính phủ Italy có thể ấn định ngày bầu cử vào khoảng cuối tháng 9 tới.
Trong bài phát biểu ngắn từ Điện Quirinale ở Rome hôm 21/7 (giờ địa phương), Tổng thống Mattarella nói: "Giai đoạn chúng ta đang trải qua không cho phép bất kỳ sự tạm dừng nào trong các hành động của chính phủ để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và lạm phát gia tăng".
Một nguồn tin chính phủ nói với hãng tin Reuters rằng cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức vào ngày 25/9. Được biết, ngày 25/9 là ngày chủ nhật cuối cùng trước khi thời hạn 70 kết thúc. Tại Italy, các cuộc bỏ phiếu thường được tổ chức vào ngày chủ nhật.
Ông Draghi, một cựu giám đốc ngân hàng trung ương, người đã lãnh đạo một liên minh rộng rãi trong gần 18 tháng, đã từ chức vào ngày 21/7 và đã được yêu cầu tiếp tục với tư cách là người quản lý.
Một nghiên cứu về các cuộc thăm dò dư luận cho thấy một khối các đảng bảo thủ, do Liên minh cực hữu của Italy dẫn đầu, có vẻ sẽ giành được đa số rõ ràng tại cuộc bầu cử tiếp theo.
Ông Giorgia Meloni, lãnh đạo của Liên minh cực hữu, đã lên tiếng lãnh đạo phe đối lập trong suốt nhiệm kỳ của ông Draghi và từ lâu đã kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Liên minh của ông Draghi đã sụp đổ vào ngày 20/7 khi 3 đảng chính trong liên minh của ông từ chối một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm do ông kêu gọi để cố gắng chấm dứt sự chia rẽ và gia hạn liên minh lâu bên của họ.
Ông đã cố gắng khẳng định lại quyền lực của mình khi các đảng phái bắt đầu đi theo các hướng khác nhau. Nhiệm kỳ 5 năm của Nghị viện dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 3/2023.
Cuộc khủng hoảng chính trị đã kết thúc những tháng ổn định ở Italy, trong đó ông Draghi đã góp phần giúp định hình phản ứng cứng rắn của châu Âu đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và đã nâng cao vị thế của quốc gia này trên thị trường tài chính.
Sự hỗn loạn bắt đầu khi nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực đồng euro phải đối mặt với một loạt vấn đề. Giống như nhiều quốc gia, Italy đang phải đối mặt với giá cả tăng vọt đối với mọi thứ, từ thực phẩm đến các tiện ích gia dụng do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine.
Hơn hết, nước này cũng đang phải hứng chịu đợt hạn hán kéo dài đe dọa mùa màng và phải vật lộn để thực hiện chương trình khắc phục hậu quả đại dịch do EU tài trợ.
Minh Hạnh (Theo Al Jazeera)