Dòng sự kiện
    +Aa-
    Zalo

    Tổng thống Hollande nói về "tương lai chung của Pháp-Việt Nam"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến thăm và có bài phát biểu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 6/9 về chủ đề: “Tương lai chung của Pháp và Việt Nam”.

    Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến thăm và có bài phát biểu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 6/9 về chủ đề: “Tương lai chung của Pháp và Việt Nam”.

    Tổng thống Cộng hoà Pháp Francois Hollande đến thăm và phát biểu với sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

    Chuyến thăm lần này của Tổng thống François Hollande tới Đại học Quốc gia Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ và mở ra nhiều triển vọng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo giữa hai nước.

    Phát biểu trước cán bộ, giảng viên, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh: Pháp và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử lâu dài, trong đó có những giai đoạn đau thương. Tuy nhiên, cả hai nước đã cùng khép lại quá khứ, tìm đến với nhau, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác cùng phát triển.

    Tổng thống Pháp nhấn mạnh: Hiện nay, vấn đề khủng bố không còn là vấn đề của mỗi quốc gia mà đang là vấn đề toàn cầu. Thời gian gần đây, Pháp cũng là nạn nhân của nhiều vụ khủng bố. Ông bày tỏ sự tri ân tới Việt Nam đã chia sẻ với người dân Pháp trong lúc khó khăn đó.

    Đồng thời, Tổng thống Francois Hollande khẳng định: Các quốc gia phải đoàn kết lại với nhau để đảm bảo an ninh toàn cầu. Khi có mâu thuẫn xảy ra, không nên sử dụng vũ lực mà cần đàm phán, đối thoại trong hòa bình để giải quyết mâu thuẫn. Pháp và Việt Nam đều muốn sử dụng hòa bình để hóa giải mâu thuẫn. Đây là điểm chung giữa hai dân tộc. Vì vậy, Pháp sẽ cố gắng hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, cũng như Việt Nam hiện nay đang tích cực góp sức cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

    Trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Pháp đánh giá cao chính sách mở cửa của Việt Nam. Trong quá trình mở cửa hội nhập, Việt Nam đã phát huy được lợi thế để phát triển, đồng thời vẫn giữ được truyền thống văn hóa của dân tộc. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

    Tuy nhiên, Tổng thống cho rằng, không chỉ phát triển trong các lĩnh vực truyền thống, Việt Nam còn cần phát triển hơn nữa ở những lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Pháp sẽ tiếp tục sát cánh với Việt Nam, chia sẻ các công nghệ mới. Do đó, Pháp đặc biệt quan tâm đến đào tạo, huy động lực lượng trong lĩnh vực nghiên cứu để thúc đẩy vấn đề này.

    Tổng thống Pháp hy vọng, trong thời gian tới, Pháp sẽ đón thêm nhiều sinh viên Việt Nam sang du học, thúc đẩy hơn nữa sự liên kết giữa các trường đại học của Pháp và Việt Nam, tăng cường giảng dạy tiếng Pháp trong các trường đại học của Việt Nam để sinh viên có thêm cơ hội học tập tại Pháp.

    Ông cũng mong muốn các trường đại học tại Việt Nam cũng như tại Pháp có các chương trình đào tạo chất lượng. Có nhiều người học tập tại Pháp và trở về Việt Nam đóng góp cho đất nước như Giáo sư Ngô Bảo Châu. Những thành quả mà hai nước đạt được trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu không chỉ giúp ích cho hai dân tộc mà cho cả thế giới...

    Bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp Tổng thống Pháp đến thăm, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội vinh dự và tự hào được kế thừa những tinh hoa từ truyền thống học thuật của Đại học Đông Dương.

    Đây là một trung tâm giáo dục đại học theo mô hình giáo dục phương Tây hiện đại đầu tiên trên bán đảo Đông Dương, do người Pháp thành lập năm 1906. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên trong nhiều thập kỷ qua, hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát triển trở thành một đại học định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, chuẩn quốc tế hàng đầu của Việt Nam.

    Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ: Trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng và duy trì quan hệ hợp tác song phương với nhiều đại học lớn của Pháp như Đại học Bách Khoa Paris, Đại học Nantes, Đại học Paris Sud… Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã tham gia tích cực các cơ chế, chương trình hợp tác đa phương trong khuôn khổ Cộng đồng khối Pháp ngữ, Cơ quan Đại học Pháp ngữ - AUF…

    Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với các đối tác Pháp bắt nguồn từ mối liên hệ lịch sử giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và nền học thuật Pháp. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tích cực hơn nữa để củng cố mối liên hệ đặc biệt này thông qua việc phát triển các hoạt động hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học Pháp, qua đó không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học giữa Việt Nam và Pháp, mà còn làm cầu nối văn hóa, giáo dục, khoa học Á – Âu.

    Nhân dịp này, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách Khoa Paris đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo chất lượng cao.

    Nguồn: TTXVN

    [mecloud]rjYhR3dZi5[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tong-thong-hollande-noi-ve-tuong-lai-chung-cua-phap-viet-nam-a146736.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan