Trong chuyến công du châu Á đầu tiên, ông Trump dự kiến sẽ phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ khó khăn, từ vấn đề Triều Tiên cho đến cuộc gặp lần 2 với ông Tập Cận Bình.
Theo xác nhận từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị cho chuyến công du nước ngoài lần thứ 3 kể từ đầu nhiệm kỳ.
Theo đó, trong khoảng gần hai tuần, từ 3-14/11, ông Trump sẽ có chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines trước khi dừng chân ở Hawaii trên đường trở về nước.
Tổng thống Trump sẽ có chuyến công du châu Á trong gần hai tuần. |
Bên cạnh các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo châu Á, Tổng thống Mỹ sẽ tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 và Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Trump sẽ mang đến châu Á chương trình nghị sự quen thuộc. Trong đó Washington ưu tiên cho các thắng lợi về quan hệ thương mại, bên cạnh việc trấn an các nhà lãnh đạo trong khu vực rằng, Mỹ đang có đủ các giải pháp phù hợp để kiềm chế Triều Tiên.
Theo bình luận viên Ankit Panda của tờ The Diplomat, nhiệm vụ quan trọng nhất trong chuyến đi của ông Trump là đảm bảo Nhật Bản và Hàn Quốc có được một chiến lược chặt chẽ đối phó với vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và các chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Tình hình vùng Đông Bắc Á trở nên căng thẳng trong suốt mùa hè vừa qua, khi Triều Tiên hai lần phô diễn năng lực tên lửa liên lục địa đang có sự tiến bộ đáng kinh ngạc, cùng với màn ra mắt bom nhiệt hạch gây rúng động khu vực.
Trong khi đó, Washington lại không giấu được sự lúng túng trong việc đưa ra một giải pháp hợp lý, nhằm ứng phó trước sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Trump đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố cứng rắn, tuy nhiên, ông chưa thể hiện được bằng hành động khiến đồng minh tin tưởng. Trong thời gian ở Seoul và Tokyo, nhà lãnh đạo Mỹ được cho là sẽ phải chứng minh được cam kết bảo vệ đồng minh của mình trong thời gian tới.
Tương tự như ở Trung Quốc, Tổng thống Trump sẽ có nhiệm vụ đầy thách thức, đó là điều phối mối quan hệ nhiều sóng gió giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ sau cuộc gặp hồi tháng Tư.
Bắc Kinh đã chiều lòng Washington với việc nhất trí thông qua biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất với Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng cán cân thương mại chênh lệch Mỹ-Trung lại trở thành vướng mắc trong mối quan hệ này.
Liệu Tổng thống Trump có chịu đánh đổi lợi ích nước Mỹ để đổi lấy sự trợ giúp của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên hay không sẽ là câu hỏi lớn trong cuộc gặp Trump-Tập lần hai.
Tổng thống Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp mặt lần thứ 2 với ông Tập Cận Bình. |
Được biết, theo kế hoạch Tổng thống Trump sẽ lần đầu tiên gặp mặt người đồng cấpRodrigo Duterte, nhà lãnh đạo đang khiến quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines tụt dốc thảm hại sau những lời chê trách nước Mỹ không tiếc lời.
Cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm ngoái đã lên tiếng chỉ trích về vấn đề nhân quyền trong chiến dịch càn quét ma túy đẫm máu mà Philippines thực hiện. Ông Duterte bày tỏ sự không hài lòng khi gọi đây là hành động can thiệp vào nội bộ nước khác của Mỹ.
Giới phân tích nhận định, ông Trump sẽ không đi theo vết xe đổ của người tiền nhiệm mà thay vào đó, Washington sẽ cứu vãn mối quan hệ này bằng cách tăng cường giúp đỡ Manila trong cuộc chiến chống lại phiến quân Hồi giáo đang cố thủ ở thành phố Marawi.
Philippines vẫn mang lại những lợi ích chiến lược cho Mỹ ở Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông, nơi tình hình đang diễn biến phức tạp. Chính vì điều này, Washington được cho là sẽ tiếp tục hàn gắn quan hệ liên minh thay vì từ bỏ.
Ở điểm dừng chân cuối cùng, tâm điểm chú ý nhất trong chuyến công du của Tổng thống Trump là sự hiện diện của ông tại APEC và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Nhìn lại những gì nhà lãnh đạo Mỹ thể hiện hồi đầu năm nay tại các Hội nghị Thượng đỉnh có tầm vóc như G7 và G20, ông Trump cho thấy, mình là một nhân vật thẳng thắn và không hề né tránh vấn đề nóng trên các diễn đàn đa phương.
Ông từng chỉ trích các cường quốc trên thế giới gây thâm hụt thương mại đối với Mỹ, đồng thời khiến giới lãnh đạo G7 và G20 ngỡ ngàng khi tuyên bố, Mỹ rút khỏi hiệp ước chống biến đổi khí hậu nhằm khôi phục lại nền sản xuất công nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, chuyên gia Ankit Panda cho rằng, hai Hội nghị Thượng đỉnh ở châu Á vào tháng 11 tới sẽ là lời cam kết vững chắc của ông chủ Nhà Trắng. Sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều đối tác châu Á lo ngại Tổng thống Trump đang muốn xóa sổ chiến lược "xoay trục" của chính quyền Obama trước đây. Tuy nhiên, với sự xác nhận đến tham dự hai sự kiện lớn nhất ở khu vực, nhà lãnh đạo Mỹ lại cho thấy, ông vẫn đặc biệt quan tâm đến khu vực này.
QUỐC VINH