Mới đây, khi phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên: "Chúng tôi sẽ tạo lập quan hệ với Triều Tiên và với ông Kim Jong Un”. Ông Trump cũng nhắc lại những lần tương tác trước đây của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên, theo RT.
"Như các bạn biết đấy, tôi rất hợp với ông ấy (Kim Jong-un). Tôi nghĩ tôi đã ngăn chặn được chiến tranh. Tôi nghĩ nếu tôi không thắng cuộc bầu cử đó, các bạn sẽ rơi vào tình huống rất tồi tệ. Nhưng tôi đã làm được và chúng tôi đã có mối quan hệ tốt đẹp”, ông Trump nói, ám chỉ việc ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã giúp ngăn chặn xung đột với Triều Tiên. Vị tổng thống cũng nhấn mạnh, khả năng tương tác với ông Kim của mình có lợi cho sự ổn định toàn cầu.
Hoạt động ngoại giao với Triều Tiên đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump. Sau giai đoạn ban đầu gia tăng căng thẳng vào năm 2017, hai nhà lãnh đạo đã tạo dựng kênh đối thoại chưa từng có.

Ông Donald Trump và ông Kim Jong Un. Ảnh: Reuters
Năm 2018, ông Trump và ông Kim đã tham gia hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Singapore. Cuộc gặp đã dẫn đến một thỏa thuận chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mặc dù các chi tiết cụ thể vẫn còn mơ hồ.
Hội nghị thượng đỉnh thứ hai diễn ra tại Hà Nội vào năm 2019 đã kết thúc mà hai bên không đạt được thỏa thuận nào do những bất đồng về việc nới lỏng lệnh trừng phạt và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Cuối năm đó, ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên trong một cuộc gặp ngắn với ông Kim Jong-un tại Khu phi quân sự (DMZ).
Sau các cuộc gặp lịch sử, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ và Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử tên lửa. Những nỗ lực của ông Trump nhằm duy trì mối quan hệ cá nhân với ông Kim Jong-un, bao gồm cả việc trao đổi thư từ, đã không dẫn đến một thỏa thuận phi hạt nhân hóa cụ thể.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn khẳng định rằng hoạt động ngoại giao trực tiếp của ông đã ngăn chặn được một cuộc xung đột lớn và có thể được khôi phục trong tương lai.
Hôm 8/2, Triều Tiên nhấn mạnh vũ khí hạt nhân của nước này không phải là con bài mặc cả, mà là để sử dụng trong hoạt động chiến đấu.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải lập trường của nước này rằng "lực lượng hạt nhân Triều Tiên luôn được sử dụng trong chiến đấu nhằm nhanh chóng loại bỏ gốc rễ của bất kỳ nỗ lực xâm chiếm nào từ các thế lực thù địch muốn xâm phạm quyền chủ quyền và sự an toàn của người dân, đồng thời đe dọa hòa bình khu vực".