Ngày 7/2, Tổng thống Joe Biden đã có bài phát biểu trước Quốc hội. Trong đó, ông đã đề cập tới một vấn đề cấp bách hiện nay là mức trần nợ.
Cụ thể, ông chủ Nhà Trắng cho biết chính quyền của ông đã "cắt giảm thâm hụt hơn 1,7 nghìn tỷ USD" - mức giảm thâm hụt lớn nhất lịch sử Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng dưới thời chính quyền người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Donald Trump - "thâm hụt của Mỹ đã tăng lên trong 4 năm liên tiếp". Ông nói thêm: "Vì những mức thâm hụt kỷ lục đó, chưa từng có tổng thống nào làm tăng thêm nợ quốc gia trong 4 năm như người tiền nhiệm của tôi".
Phát biểu trên của Tổng thống Biden đã vấp phải sự phản đối từ các đảng viên Cộng hòa.
Tuy nhiên, ông Biden tiếp tục: "Gần 25% tổng số nợ quốc gia, vốn mất hơn 200 năm mới tích lũy được, đã tăng thêm chỉ dưới thời ông Trump. Đó là sự thật. Các bạn hãy nhìn xem. Và Quốc hội đã làm thế nào với mức nợ này? Họ đã làm đúng. Họ đã ba lần nâng trần nợ mà không có điều kiện tiên quyết. Họ đã thanh toán các hóa đơn của Mỹ để ngăn chặn thảm họa kinh tế đối với đất nước chúng ta".
"Vì vậy, tôi yêu cầu Quốc hội chúng ta hãy làm điều tương tự. Chúng ta hãy cam kết tại đây, trong tối nay, rằng niềm tin và sự tín nhiệm của Mỹ không có gì đáng để nghi ngờ", ông Biden nhấn mạnh.
Được biết, Mỹ đã chạm trần nợ do Quốc hội đặt ra vào tháng 1, buộc Bộ Tài chính bắt đầu thực hiện các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ chính phủ thanh toán các hóa đơn và gia tăng áp lực lên Đồi Capitol nhằm tránh cảnh vỡ nợ vào cuối năm.
Nhà Trắng và Hạ viện mới do đảng Cộng hòa kiểm soát đã vấp phải mâu thuẫn vấn đề tăng mức trần nợ. Tổng thống Joe Biden và Lãnh đạo Đa số Hạ viện Kevin McCarthy đã gặp nhau vào tuần trước để thảo luận về một thỏa thuận khả thi. Dù vậy, các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện tiếp tục đặt ra điều kiện rằng việc nâng giới hạn vay phải đi kèm với việc cắt giảm chi tiêu. Vào tháng 1, ông McCarthy đã từ chối lời kêu gọi của đảng Dân chủ về việc tăng trần nợ mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào.
Nhà Trắng cho biết họ sẽ không đàm phán hay đưa ra nhượng bộ với vấn đề trên. Đồng thời, họ đã thúc giục ông McCarthy cho tổng thống xem ngân sách của mình.
Mặc dù trần nợ ban đầu được thiết kế để giúp chính phủ liên bang vay mượn dễ dàng hơn, nhưng giới hạn này đã trở thành một cách để Quốc hội hạn chế sự gia tăng vay mượn - biến nó thành một cuộc tranh cãi chính trị trong những thập kỷ gần đây.
Minh Hạnh (Theo CNN)