Hãng thông tấn Chinanews đưa tin, trả lời về cuộc "đột kích" hôm 8/8 của FBI vào khu dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/8 (giờ địa phương), khẳng định ông "không biết về hoạt động này" trước khi nó được tiến hành.
"Tôi không nhận được thông báo trước", ông Biden nhấn mạnh, "Không, không hề!".
Hãng truyền thông Mỹ USA Today chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên Tổng thống Biden đưa ra bình luận về cuộc "đột kích" của FBI tại tư dinh ông Trump.
Nhà Trắng đã nhiều lần nói rằng ông Biden "cũng giống như bao người dân Mỹ", chỉ biết về cuộc đột kích của FBI vào tư dinh của ông Trump thông qua các báo cáo công khai, đồng thời nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ sẽ làm việc để giúp cuộc điều tra của Bộ Tư pháp "được tự do về mặt chính trị".
"Bộ Tư pháp tiến hành các cuộc điều tra của mình một cách độc lập và chúng tôi giao mọi việc thực thi pháp luật cho họ", thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trả lời các phóng viên hôm 9/8.
"Ông Biden không được thông báo và không biết sự việc này", cô Jean-Pierre cho biết thêm.
Cơ quan Lưu trữ và hồ sơ quốc gia Mỹ (NARA) cho biết đã từng thu hồi khoảng 100 tài liệu có đánh dấu mật với tổng cộng hơn 700 trang từ dinh thự của cựu Tổng thống Donald Trump ở Mar-a-Lago, bang Florida, trong năm nay.
Theo NARA, ông Trump mang theo một loạt tài liệu chính phủ khi rời Nhà Trắng vào cuối nhiệm kỳ tháng 1/2021. Những tài liệu này lẽ ra phải được chuyển vào kho lưu trữ theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.
Trong số tài liệu NARA thu hồi, có các tài liệu từ Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia, Cục Điều tra Liên bang (FBI), về nhiều chủ đề liên quan an ninh quốc gia.
Điều này khiến Bộ Tư pháp Mỹ lo ngại và phải hành động khẩn cấp để xác định xem cựu Tổng thống còn cất giữ tài liệu gì khác hay không. Bộ Tư pháp từng gửi trát đến ông Trump để tìm kiếm thêm tài liệu.
Một tài liệu của tòa án được công bố hôm 12/8 cho thấy, FBI đã thu giữ 11 bộ tài liệu mật trong một cuộc đột kích vào tư dinh Mar-a-Lago của ông Trump, trong đó có một số được đánh dấu là "tối mật" hoặc "thông tin nhạy cảm".
Ngày 22/8 vừa qua, cựu Tổng thống Trump đã đệ đơn kiện để ngăn Bộ Tư pháp Mỹ "khám xét thêm" tài liệu bị thu giữ từ bất động sản Mar-a-Lago của ông, cho đến khi một "special master" (quan chức đặc biệt) được chỉ định để giám sát việc khám xét.
Theo CNN, Động thái này giúp đảm bảo các tài liệu mang tính đặc quyền không bị cơ quan điều tra sử dụng một cách không cần thiết hoặc bất công.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump sử dụng công cụ pháp lý để trì hoãn, làm chệch hướng hoặc chính trị hóa các cáo buộc nhằm vào mình. Vụ việc lần này là ví dụ điển hình cho cách thức ông Trump phối hợp biện pháp chính trị và pháp lý khi phải đối mặt với các cuộc điều tra.
Tuy nhiên, thẩm phán Mỹ cho rằng các lập luận pháp lý và lập luận của bản cáo trạng do cựu Tổng thống Trump đệ trình là "không đủ" và yêu cầu ông cải thiện nó trước ngày 26/8.
Hoa Vũ (Theo Chinanews)