Cổng TTĐT Thanh tra Chính phủ cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu vừa có văn bản báo cáo Quốc hội về 3 vụ khiếu nại, tố cáo mà ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng giơ biển tranh luận cho rằng, liên quan đến trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Cùng đối thoại, tham gia ý kiến kết quả thanh tra
Liên quan đến vụ khiếu kiện đông người tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), theo Thanh tra Chính phủ, năm 2016, khi nhận được đơn, Ban Tiếp công dân Trung ương đã tiếp dân; đồng thời có văn bản gửi UBND TP Hà Nội để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
Khi công dân có đơn khiếu nại lần hai, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo tình hình, diễn biến vụ việc.
“Yêu cầu TP có biện pháp xử lý thích hợp để ổn định tình hình, tránh xảy ra điểm nóng; giao Cục địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội trong quá trình xử lý vụ việc”, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết.
Đến khi nhận được thông tin công dân xã Đồng Tâm bức xúc, giữ 38 cán bộ thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra Chính phủ đã cử Phó Cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội.
Theo đó, đã cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với công dân tại huyện Mỹ Đức ngày 20/4, tại xã Đồng Tâm ngày 22/4.
Sau khi Thanh tra TP Hà Nội kết thúc thanh tra trực tiếp, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cử 1 Phó Cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ tham gia ý kiến đối với Kết quả thanh tra tại các cuộc họp ngày 1/6, ngày 7/6.
TP Hà Nội đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP Hà Nội để giải quyết những vấn đề liên quan, nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Vụ Công ty Kim khí Hải Phòng: Đang thuộc thẩm quyền của địa phương
Khiếu nại, kiến nghị của Công ty CPĐT Kim khí Hải Phòng (Công ty Kim khí Hải Phòng) đầu tư Dự án Bến xe Thượng Lý, TP Hải Phòng, theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hải Phòng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại các Văn bản số 126/BC-UBND ngày 29/6/2015 và Văn bản số 196/BC-UBND ngày 29/9/2016.
Về phía Thanh tra Chính phủ, sau khi nhận được đơn của doanh nghiệp, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội đã chuyển nội dung khiếu nại, kiến nghị đến UBND TP Hải Phòng để giải quyết theo thẩm quyền.
Thanh tra Chính phủ cũng cử tổ công tác do Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương làm Tổ trưởng đôn đốc địa phương giải quyết đối với vụ việc này.
Ngày 10/3/2017, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ do Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh làm trưởng đoàn cùng Ban Tiếp công dân Trung ương, Cục I, Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp làm việc với UBND TP Hải Phòng về rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên địa bàn TP.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe địa phương báo cáo, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đã chỉ đạo, yêu cầu UBND TP quan tâm, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp trên địa bàn, trong đó có vụ việc của Công ty Kim khí Hải Phòng.
TP Hải Phòng đang tích cực xử lý nhiều nội dung để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan đến hoạt động vận tải tại địa phương.
“Theo quy định Luật Khiếu nại, thẩm quyền giải quyết vụ việc đang thuộc UBND TP Hải Phòng. Thanh tra Chính phủ với chức năng quản lý Nhà nước, tiếp tục giao đơn vị chức năng đôn đốc địa phương thực hiện theo quy định”, Thanh tra Chính phủ báo cáo.
Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn xác minh tố cáo tại VIVASO
Thời gian qua, ông Nguyễn Huy Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Cảng Hà Nội tố cáo, phản ánh cho rằng quá trình cổ phần hóa tại Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) thiếu khách quan, minh bạch; làm thất thoát tài sản Nhà nước giá trị lớn, có dấu hiệu móc ngoặc tham nhũng; làm bần cùng hóa người lao động, làm tan rã hệ thống chính trị của VIVASO…; cần được tiến hành thanh tra để làm rõ trách nhiệm của cán bộ liên quan; đồng thời kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan cổ phần hóa Doanh nghiệp.
Theo Thanh tra Chính phủ, đơn của ông Thanh đã gửi tới Bộ Giao thông vận tải và đã được Bộ Giao thông vận tải trả lời tại Văn bản số 17336/BGTVT-QLDN ngày 30/12/2015.
Nhưng khi nhận được đơn này, Thanh tra Chính phủ đã chủ động giao Ban Tiếp công dân Trung ương phối hợp với Cục I nắm tình hình và đề xuất phương hướng xử lý.
Sau đó, Thanh tra Chính phủ nhận được Phiếu chuyển đơn của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và thấy rằng, trong quá trình giải quyết, Bộ Giao thông vận tải mới dừng ở mức trả lời đơn mà chưa xử lý theo quy định của Luật tố cáo.
Căn cứ khoản 6, điều 13, Luật Tố cáo “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp”, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản chuyển đơn đến Bộ Giao thông vận tải để được xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo kết quả đến ĐBQH, Thanh tra Chính phủ và trả lời công dân.
Ngày 2/6/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định số 1620/QĐ-BGTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập Đoàn xác minh tố cáo đối với vụ việc cổ phần hóa tại VIVASO.
Trước đó, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ngày 9/6, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) giơ biển tranh luận nêu một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ về 3 vụ việc khiếu nại, tố cáo trên.