Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Tại phiên chất vấn người đứng đầu cơ quan kiểm toán Nhà nước, các đại biểu bày tỏ mối quan tâm đến các vấn đề liên quan đến sai phạm của các đơn vị có sự tác động từ hoạt động kiểm toán. Cụ thể, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị Tổng kiểm toán Nhà nước làm rõ vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với các vụ việc điển hình như ngân hàng SCB?
Theo đại biểu Mai Văn Hải, vụ việc của ngân hàng SCB xảy ra trong thời gian vừa qua được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Đại biểu Mai Văn Hải chia sẻ, theo thông tin đại chúng cho thấy nhiều công ty kiểm toán đã kiểm toán, báo cáo tài chính của SCB tuy nhiên không phát hiện ra được dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này. Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Tổng Kiểm toán cho biết vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với các vụ việc như vụ việc của ngân hàng SCB vừa qua?
Trả lời chất vấn câu hỏi của đại biểu Mai Văn Hải, lãnh đạo kiểm toán nhà nước nêu rõ, vụ việc SCB không thuộc phạm vi của kiểm toán nhà nước. Theo quy định SCB thuộc đối tượng kiểm toán độc lập, trách nhiệm thuộc về các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Đối với đại biểu về các giải pháp nâng cao kết luận, kiến nghị của kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, sau khi Quốc hội thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí và đã ban hành Nghị quyết 74 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg năm 2023 chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách Nhà nước; và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách tổ chức phiên điều trần, giải trình về việc thực hiện kiến nghị, kết luận của kiểm toán, tỷ lệ thực hiện kết luận được nâng cao.
"Chia lửa" với Tổng Kiểm toán, nói về kiểm toán độc lập tại SCB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đối với hệ thống kiểm toán chúng ta có 2 hệ thống: Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán độc lập.
Kiểm toán Nhà nước là một cơ quan do Quốc hội thành lập, với nguyên tắc và phạm vi chỗ nào có tài sản, tiền của Nhà nước thì có hoạt động kiểm toán, thực hiện đánh giá xác nhận kết luận và kiến nghị nhưng vấn đề được kiểm toán. "Tôi từng công tác tại Kiểm toán Nhà nước, tôi thấy cơ quan này có quy trình chặt chẽ, chất lượng tốt, công nghệ cao, nổi trội, trình độ của kiểm toán viên...", ông Phớc nói.
Nhánh 2 là Kiểm toán độc lập, thực hiện theo luật Kiểm toán độc lập, cung cấp dịch vụ kiểm toán cho doanh nghiệp. Có doanh nghiệp kiểm toán độc lập, doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài có chi nhánh đặt tại Việt Nam. Các đơn vị thực hiện dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp.
Bộ Tài chính thực hiện đúng theo quy định là quản lý chất lượng kiểm toán mà không trực tiếp đi kiểm toán, chỉ thông quan ban hành cơ chế chính sách, chiến lược, thanh kiểm tra... Năm nay, Bộ thực hiện thanh kiểm tra 20-24 doanh nghiệp kiểm toán, đồng thời kết hợp nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập thông qua bồi dưỡng tập huấn cấp phép, thanh kiểm tra theo quy định.
Về ý kiến của đại biểu liên quan SCB, Bộ trưởng Tài chính cho biết dù Kiểm toán Nhà nước không kiểm toán SCB nhưng cũng có những lưu ý, kiến nghị. Với kiểm toán độc lập, giai đoạn 2012-2016, SCB thuê E&Y thực hiện, giai đoạn 2017-2019 SCB thuê Deloitte thực hiện, giai đoạn 2020-2022 thì thuê KPMG thực hiện. Quá trình thực hiện việc kiểm toán này có những thiếu sót, sai phạm, có vấn đề cơ quan công tố xử lý vụ án.
"Sắp tới với vai trò, chức năng nhiệm vụ được giao, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập", Dân trí dẫn lại lời của Bộ trưởng Bộ tài chính.