Đảm nhiệm chức Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI từ tháng 7/2019, song ông Phạm Anh Đức được nhận thưởng 12 tỷ đồng gây xôn xao dư luận.
Những ngày qua, dư luận đang có nhiều luồng thông tin về việc Tổng giám đốc Phạm Anh Đức chi thưởng 68,3 tỷ đồng cho lãnh đạo ban điều hành Tổng công ty và cán bộ công nhân viên.
Cụ thể một số phản ánh cho rằng, ngày 24/2/2020, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI (đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần PVI) ban hành quyết định về việc khen thưởng hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh năm 2019.
Ông Phạm Anh Đức - Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI |
Trong quyết định chi thưởng này, riêng ông Phạm Anh Đức trên cương vị Tổng giám đốc được nhận đến 12 tỷ đồng (chiếm 20% quỹ thưởng), trong khi ông Đức mới đảm nhiệm chức vụ này từ tháng 7/2019 gây bức xúc dư luận. Mức thưởng này của ông Đức gần bằng tiền lương thưởng của cả dàn lãnh đạo gồm 16 người Tập đoàn PVN (Kế hoạch quỹ tiền lương, thù lao, thưởng 2019 của Tập đoàn PVN, có 16 người hưởng mức lương bình quân 71,29 triệu đồng/người/tháng. Tương đương 13,688 tỷ đồng/16 người/năm).
Trao đổi với PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI Phạm Anh Đức xác nhận ông được nhận 12 tỷ đồng tiền thưởng vượt kế hoạch năm 2019.
Ông Đức cho biết, nói ông làm lãnh đạo Bảo hiểm PVI từ tháng 7/2019 là không chính xác,trước đây ông là Chủ tịch HĐTV của Tổng công ty, và mới đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc từ tháng 7/2019.
Nói về khoản chi thưởng 68,3 tỷ đồng, ông Đức cho biết, các năm trước đây, Bảo hiểm PVI chỉ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế được giao hoặc vượt không đáng kể.
Cụ thể, năm 2015, Bảo hiểm PVI được PVI Holdings giao kế hoạch là 303.5 tỷ đồng, thực hiện 303.9 tỷ đồng; năm 2016 là 108 tỷ đồng, thực hiện 109 tỷ đồng; năm 2017 là 450.1 tỷ đồng, thực hiện 450.3 tỷ đồng; năm 2018 là 450.6 tỷ đồng, thực hiện 450.3 tỷ đồng. Đến năm 2019, kế hoạch được giao 468 tỷ đồng, nhưng Bảo hiểm PVI đã thực hiện được 763 tỷ đồng.
Trước khi có báo cáo tài chính năm 2019, tháng 11/2019, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI đã có văn bản số 1140 gửi Công ty cổ phần PVI đề xuất phương thức thưởng vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2019.
Theo văn bản này, ông Đức đề xuất chi thưởng, quỹ thưởng = (568 tỷ đồng – 468 tỷ đồng) x 10% + (Lợi nhuận trước thuế thực hiện 2019 – 568 tỷ đồng) x 30%. Với cách tính này quỹ thưởng là 68,3 tỷ đồng.
Ông Đức cho biết, trong 68,3 tỷ đồng trên, Bảo hiểm PVI đã trích 10 tỷ đồng thưởng cho cán bộ, nhân viên, mỗi người khoảng 5 triệu đồng. Phần còn lại được chia cho lãnh đạo.
Theo biên bản họp Hội đồng thi đua khen thưởng ngày 24/2/2020 của Bảo hiểm PVI, Ban Tổng giám đốc nhận 40,25%; Trưởng các đơn vị thuộc khối quản lý nhận 27,4%; Trưởng các đơn vị thuộc khối kinh doanh nhận 31,37%.
Việc tạm ứng chi thưởng được diễn ra trong tháng 2 và 3/2020. Tuy nhiên, ngày 20/3/2020, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI mới ký Quyết định số 222/QĐ-PVIBH về việc ban hành Phụ lục bổ sung Quy chế trả lương, thưởng của Bảo hiểm PVI để thực hiện việc trích và phân phối quỹ lương bổ sung do hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận được giao năm 2019.
Và đến ngày 23/4/2020, HĐQT Công ty Cổ phần PVI mới ban hành Nghị quyết về việc bổ sung Phụ lục quy chế trả lương, thưởng của Bảo hiểm PVI. Theo đó, chấp thuận đề xuất của Bảo hiểm PVI bổ sung Phụ lục Quy chế trả lương thưởng của Bảo hiểm PVI, Hội đồng thành viên Bảo hiểm PVI được quyết định cách thức phân phối…
Việc chi thưởng để khuyến khích cán bộ, nhân viên tích cực hơn trong công việc là cần thiết. Tuy nhiên, việc Bảo hiểm PVI chi thưởng trước khi có báo cáo tài chính có ảnh hưởng đến các số liệu trong báo cáo năm 2019?
Cần phải nói rằng, Bảo hiểm PVI đã chi thưởng từ tháng 2 và 3/2020, trong khi tháng 4/2020, Tổng giám đốc Phạm Anh Đức mới ký vào Báo cáo tài chính tóm tắt năm 2019. Theo báo cáo này, lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm PVI chỉ là 623 tỷ đồng, chứ không phải con số 763 tỷ đồng. Vậy con số 140 tỷ đồng đi về đâu?
Theo Bảo hiểm PVI, sở dĩ trong báo cáo tài chính 2019, lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm PVI chỉ là 623 tỷ đồng là do 68,3 tỷ đồng tiền thưởng được tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp, và 72 tỷ đồng chi phí không có trong kế hoạch.
Trong khi, Báo cáo tài chính các năm 2016, 2017, 2018 của Bảo hiểm PVI, chi phí quản lý doanh nghiệp các năm lần lượt là 325 tỷ đồng, 317 tỷ đồng và năm 2018 là 325 tỷ đồng.
Riêng năm 2019, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên mức 348 tỷ đồng. Nếu không có khoản thưởng 68,3 tỷ đồng, có lẽ chi phí quản lý doanh nghiệp của Bảo hiểm PVI chỉ khoảng 280 tỷ đồng, thấp hơn “đột biến” so với các năm trước đó.
Trở lại câu chuyện tiền thưởng tại Bảo hiểm PVI, Tổng giám đốc Phạm Anh Đức cho rằng, mức thưởng trên là còn thấp, ông còn muốn đề xuất thưởng thêm.
Thủy Tiên