+Aa-
    Zalo

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng góp to lớn trong xây dựng, phát triển đất nước

    (ĐS&PL) - Sáng 24/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023).

    tong bi thu nguyen phu trong doi ngu tri thuc khoa hoc va cong nghe dong gop to lon trong xay dung phat trien dat nuoc
    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

    Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

    "Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

    Thưa các đồng chí,

    Hôm nay, tôi rất vui mừng được đến dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trước hết, tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gửi tới các đồng chí đại biểu, các vị khách quý, anh chị em trí thức có mặt hôm nay và qua các đồng chí, gửi đến toàn thể đội ngũ trí thức nước nhà lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe, tràn đầy nhiệt huyết sáng tạo, gia đình hạnh phúc và đạt được nhiều thành công mới trong sự nghiệp cao quý của mình.

    Thưa các đồng chí,

    Chúng ta đều đã biết, trải qua quá trình lịch sử lâu dài của Dân tộc, trí thức Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Cũng chính vì vậy mà cha ông ta đã luôn luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức. Hơn 500 năm về trước, Đông các Đại học sĩ Triều Lê Thân Nhân Trung vâng mệnh của vua Lê Thánh Tông đã soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử Giám, trong đó đã khẳng định vai trò đặc biệt cao cả và quan trọng của nhân tài trong công cuộc làm hưng thịnh cho Đất nước: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì Đất nước mạnh và càng lớn lao; nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp".

    Trong thời đại Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức của nước nhà đã không ngừng phấn đấu hy sinh, hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: "Nước nhà cần phải kiến thiết; kiến thiết cần phải có nhân tài"; "Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc...". Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 06/8/2008 đã khẳng định: "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của Dân tộc, sức mạnh của Đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững".

    Trong nửa đầu của thế kỷ XX, nhiều tổ chức của trí thức Việt Nam đã được thành lập và phát triển rộng khắp, như: Hội Truyền bá Quốc ngữ (năm 1938), Hội Văn hoá cứu quốc (năm 1943), Hội Văn nghệ Việt Nam (năm 1948),... đã góp phần tích cực vào việc mở mang dân trí, giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước.

    Ngay sau ngày hòa bình lập lại (năm 1954), Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để nhiều hội nghề nghiệp được thành lập, nhất là sau khi Nhà nước ban hành Sắc lệnh số 52 quy định về Hội và Sắc lệnh số 102 quy định về Quyền lập hội. Một số Hội đã được thành lập như: Hội Luật gia Việt Nam (năm 1955), Tổng hội Y Dược học Việt Nam (năm 1955), Hội Y học cổ truyền Việt Nam (năm 1957).

    Năm 1963, Hội Phổ biến kiến thức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - tổ chức tiền thân của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày nay, đã được thành lập nhằm tập hợp, quy tụ các nhà khoa học, trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật để đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật cho quần chúng nhân dân.

    Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX đã có tác động to lớn đối với việc giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra một không khí cởi mở và thổi một luồng sinh khí mới vào các hoạt động của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các hội khoa học và công nghệ.

    Ngày 26/3/1983, tại Thủ đô Hà Nội, 15 tổ chức hội thuộc các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đã tiến hành Đại hội thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đại hội đã bầu Thiếu tướng, Anh hùng Lao động, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Việc thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, mong muốn có một tổ chức chung để tập hợp, đoàn kết, điều hòa, phối hợp các hoạt động phong phú, đa dạng; để nói tiếng nói thống nhất, đề đạt nguyện vọng và ý kiến chung của giới trí thức đối với Đảng và Nhà nước.

    Trong suốt cuộc hành trình 40 năm qua, từ 15 tổ chức Hội ban đầu, đến nay Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có tới 156 hội thành viên (gồm 63 liên hiệp hội ở các địa phương và 93 hội ngành toàn quốc), gần 600 tổ chức khoa học và công nghệ, hình thành một mạng lưới các tổ chức thành viên và trực thuộc rộng khắp cả nước, đa ngành, đa lĩnh vực; tập hợp, thu hút được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, chiếm gần 1/3 số trí thức trong cả nước.

    Nhờ tích cực tham gia xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao; thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động, tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước vì sự nghiệp của Đảng, của Nhân dân và Đất nước. Trong đội ngũ đó, có rất nhiều tấm gương sáng, có nhiều đóng góp lớn lao cho Đất nước và Dân tộc, như: Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Trần Đại Nghĩa; Giáo sư Tôn Thất Tùng; Giáo sư Tạ Quang Bửu; Giáo sư Hà Học Trạc; Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng,...

    Trong hoạt động của đội ngũ trí thức Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã ghi nhận sự đóng góp lớn lao của các trí thức trong hệ thống Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, những người đã một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn luôn tâm huyết đóng góp vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, triển khai các hoạt động nhằm phát huy sức mạnh của khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức.

    Nội dung và phương thức hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng ngày càng có sự đổi mới, cải tiến, đa dạng và phong phú, có sức lan tỏa rộng khắp hơn trong cả nước. Các ý kiến tư vấn, phản biện, phổ biến kiến thức đã góp phần quý báu cho việc xây dựng và từng bước hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

    Đảng và Nhà nước ta hoan nghênh, biểu dương và đánh giá cao các hoạt động và kết quả đóng góp của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ghi nhận những cố gắng, nỗ lực và thành tích lớn lao, những cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật nước nhà.

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập để sớm có giải pháp khắc phục. Cụ thể là: Tổ chức của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tuy có phát triển về số lượng, nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động ở một số nơi vẫn chưa cao; chưa tập hợp, thu hút được nhiều trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động của Hội. Các hội chuyên ngành toàn quốc có số lượng chuyên gia, nhà khoa học đông đảo, nhiều chuyên gia đầu ngành, nhưng còn thiếu cơ chế, đặc biệt là cơ chế về tài chính, để các hội tham gia một cách chủ động, tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Một số hội ngành toàn quốc còn chưa phát huy được vai trò là nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học, kỹ thuật; điều kiện hoạt động của Liên hiệp Hội ở Trung ương và các địa phương tuy đã có chuyển biến, song vẫn chưa được cải thiện nhiều; còn không ít khó khăn về cơ chế, chính sách, bộ máy tổ chức và cơ sở vật chất; vẫn còn có một số tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc vi phạm pháp luật, đã bị các cơ quan chức năng xử lý; một số cơ quan báo chí trong hệ thống còn vi phạm tôn chỉ mục đích, thiếu nhạy cảm về chính trị,…

    Thưa các đồng chí,

    Chúng ta đều đã biết, trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia, đội ngũ trí thức luôn luôn là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng, đề cao vai trò của tri thức và đội ngũ trí thức. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 03/9/1945, Người đã nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức"; "... Trí thức là vốn quý của Dân tộc. Ở các nước như thế, ở Việt Nam càng như thế". Và "... Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức cũng phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân".

    Trí thức vừa là một bộ phận của nguồn nhân lực, vừa là nguồn lực khoa học, kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước. Nối tiếp truyền thống của Dân tộc, vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Marx- Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn luôn quan tâm lãnh đạo công tác vận động, tập hợp và phát triển trí thức. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo công tác vận động đội ngũ trí thức.

    Dự báo, trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục còn có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia. Tình hình đó đòi hỏi các tổ chức khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước ta, đặc biệt là trí thức, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cần nỗ lực phấn đấu, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa, có hiệu quả cao hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của Đất nước.

    Mặc dù việc xây dựng và phát triển Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam không chỉ là trách nhiệm và bổn phận của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể trong cả hệ thống chính trị, nhưng tôi nghĩ, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vẫn phải là chủ công. Các đồng chí cần chủ động tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác vận động trí thức trong tình hình mới, thể hiện rõ vai trò chủ công của mình trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức. Nhân đây, tôi có đôi điều muốn gợi mở, trao đổi và chia sẻ thêm với các đồng chí:

    Một là: Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam cần tiếp tục chủ động và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu cho Đảng và Nhà nước. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục quán triệt thực hiện thật tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết luận số 93-KL/TW, ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức hội thành viên hoạt động có hiệu quả hơn.

    Hai là: Tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các tiêu chí cụ thể, thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhằm xây dựng đội ngũ trí thức nước ta không ngừng lớn mạnh, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập; có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy thực sự có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tham gia hoạt động trong các viện nghiên cứu, nhà trường và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới; quan tâm công tác khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

    Ba là: Tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam từ Trung ương tới địa phương; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức hoạt động và đóng góp cho sự phát triển nước nhà.

    Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn và các cấp ủy Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho trí thức truyền bá kiến thức, hướng dẫn quần chúng nhân dân tiến quân vào khoa học và công nghệ để giải quyết những vấn đề bức thiết trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường.

    Bốn là: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác. Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức hội thành viên phải nâng cao tính chủ động, năng động, sáng tạo; có nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú gắn với chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành, khu vực và cả nước, thu hút ngày càng đông các hội viên tham gia.

    Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng đối với đội ngũ trí thức để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa vinh dự và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với Nhân dân; nỗ lực đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành thật tốt trọng trách của mình; tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ trí thức; động viên anh chị em có nhiều đóng góp tâm sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc sự bình yên của nước nhà.

    Thưa các đồng chí,

    Trải qua 40 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, và ngày càng có nhiều kinh nghiệm, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nơi tập hợp đông đảo trí thức, các nhà khoa học có chuyên môn và trình độ cao, tâm huyết và sáng tạo, tôi tin tưởng rằng, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, đóng góp nhiều hơn nữa với chất lượng và hiệu quả cao hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ, phát triển Đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng, xứng đáng với niềm tự hào và sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

    Một lần nữa, tôi xin chúc các vị đại biểu và các đồng chí, các nhà khoa học dồi dào sức khỏe, thành công trong công tác, hạnh phúc trong cuộc sống và xứng đáng là "nguyên khí của Quốc gia", những người làm hưng thịnh cho Đất nước; làm rạng rỡ cho Dân tộc và vẻ vang cho Giống nòi!

    Tôi xin trân trọng cảm ơn!".

    Theo Báo Chính phủ

    Link nguồn: https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-doi-ngu-tri-thuc-khoa-hoc-va-cong-nghe-dong-gop-to-lon-trong-xay-dung-phat-trien-dat-nuoc-102230324174212424.htm

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-doi-ngu-tri-thuc-khoa-hoc-va-cong-nghe-dong-gop-to-lon-trong-xay-dung-phat-trien-dat-nuoc-a569934.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương

    Ngày 7/12, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương cho ý kiến về các nội dung quan trọng mà Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã triển khai, thực hiện trong năm 2022; xác định mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp công tác trọng tâm trong thời gian tới; cho ý kiến về các văn bản trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78.

    Trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

    Trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

    Trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thi đua sôi nổi chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023), chiều 2/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Đảng ủy Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức lễ trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.