(ĐSPL) - Nhóm giang hồ gồm hàng chục đối tượng, chuyên đe dọa, đòi tiền bảo kê, cưỡng đoạt tài sản…trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo.
Theo báo Dân trí, ngày 5/1, công an huyện Vĩnh Bảo cho biết: Đã ký quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Đoàn (biệt hiệu là Đàm mỡ, SN 1985, ĐKTT thôn Nội Tạ, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo). Đoàn là kẻ cầm đầu một băng nhóm “giang hồ” hoạt động trong lĩnh vực bảo kê, làm luật tại khu vực huyện Vĩnh Bảo, gây bất bình dư luận trong thời gian qua.
Cùng với Đoàn, đối tượng Mai Quốc Kỳ Anh (SN 1952, ĐKTT khu phố Tân Hòa, thị trấn Vĩnh Bảo) cũng bị tạm giam.
Đoàn và Anh bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản - Ảnh: báo VnExpress |
Báo An ninh thủ đô thông tin, theo tài liệu của CQĐT, Đoàn và Kỳ Anh nằm trong nhóm khoảng 10 đối tượng, chuyên có hành vi đe dọa, đòi tiền bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, phá hoại tài sản, đòi tiền bảo vệ… trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo. Số đối tượng này đều có nhiều tiền án, tiền sự và nghiện ma túy.
Ngày 22/12/2016, trinh sát hình sự nắm được thông tin nhóm đối tượng trên đến gặp ông Nguyễn T.T, Giám đốc 1 Công ty truyền thông, đang đứng ra tổ chức hội chợ hàng tiêu dùng tại trung tâm huyện Vĩnh Bảo; yêu cầu phải nộp 40 triệu đồng để được “yên thân”, nếu không sẽ phá, không cho hoạt động.
Nói là làm, 21h30 cùng ngày, hơn 10 đối tượng ập đến hội chợ, gây gổ, đánh đập nhân viên bán vé, nhân viên bảo vệ, khiến 1 nữ nhân viên bị trọng thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện.
Quá trình điều tra, bước đầu, cơ quan Công an xác định được 4 đối tượng; hoàn tất hồ sơ khởi tố Nguyễn Văn Đoàn và Mai Quốc Kỳ Anh, đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ và truy bắt các đối tượng còn lại để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)