+Aa-
    Zalo

    Tội phạm được kiềm chế, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tỷ lệ tội phạm đã được kiềm chế, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

    Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tỷ lệ tội phạm đã được kiềm chế, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

    Báo cáo được Thượng tướng Tô Lâm trình bày nêu rõ: Năm 2016 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tình hình thế giới, khu vực diễn diến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Về cơ bản, tình hình KT-XH khả quan, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, VH – XH chuyển biến tích cực, quốc phòng an ninh được giữ vững.

    Bên cạnh những yếu tố tích cực, những khó khăn về KT-XH, thiên tai, biến đổi khí hậu, sự cố môi trường và sự chống phá của các thế lực thù địch tác động nhiều đến ANTT trong nước, tạo ra nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương mà nòng cốt là lực lượng Công an, cùng với ủng hộ của nhân dân, tình hình tội phạm đã được kiềm chế, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

    Cụ thể, đã khởi tố mới 70.430 vụ, hơn 102.000 bị can, giảm 2,79% về số vụ 6,1% số bị can. Tuy nhìn chung, tình hình tội phạm có giảm, tại một số địa bàn lĩnh vực còn phức tạp. Các thế lực thù địch bên ngoài, chống đối chính trị trong nước tăng cường liên kết trong ngoài, tăng cường lôi kéo kích động quần chúng nhân dân. Tình hình lộ lọt bí mật Nhà nước trên mạng internet xảy ra nghiêm trọng; an ninh, an toàn mạng tiếp tục bị đe dọa.

    Về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, đã khởi tố điều tra tra hơn 42.000 vụ, hơn 64.000 bị can, giảm hơn 12% số vụ, hơn 13% về số bị can. Số vụ giết người đã giảm 8,11%, số vụ hiếp dâm 27,56%, cướp tài sản giảm 15,22%... đạt các mục tiêu Quốc hội đề ra.

    Bên cạnh đó, tội phạm có tổ chức, nhất là băng ổ nhóm đâm thuê chém mướn, truy sát nhau, bảo kê siết nợ... có dấu hiệu phức tạp trở lại. Giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân xảy nhiều, giết người do ảnh hưởng của trò chơi điện tử bạo lực diễn biến phức tạp. Chống người thi hành công vụ tuy giảm hơn 16% về số lượng, nhưng hành vi ngày càng manh động, như vụ đánh chết một cán bộ Quản lý thị trường Long An. Các vụ việc vỡ tín dụng tín dụng đen hàng trăm nghìn tỉ đồng gây phức tạp trong nhân dân.

    Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc hội.

    Về tội phạm kinh tế, tham nhũng, đã khởi tố điều tra 1.284 vụ 2.055 bị can xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; 102 vụ, 374 bị can về tham nhũng; 24 vụ, 62 bị can lạm dụng chức vụ. Qua điều tra cho thấy, hành vi của các đối tượng tội phạm này ngày càng tinh vi, nhất là tội phạm tài chính, ngân hàng, thuế đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai... Kinh doanh đa cấp, lừa đảo lan rộng ở nông thôn. Buôn lậu, hàng giả... diễn ra phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không... Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 292 vụ, 340 bị can về môi trường, nổi lên là xả thải không qua xử lý, khai thác cát, chặt phá rừng... làm cho khoáng sản, rừng ngày càng cạn kiệt.

    Đã khởi tố 241 vụ, 493 bị can tội phạm công nghệ cao. Kết quả điều tra cho thấy, hoạt động chủ yếu của tội phạm công nghệ cao là lợi dụng internet lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép... Tình trạng tin tặc tấn công mạng máy tính của cơ quan, doanh nghiệp xuất hiện nhiều hơn.

    Về tội phạm ma túy, công tác đấu tranh đạt nhiều kết quả tích cực, shởi tố 15.366 vụ 19.167 bị can, tăng 18,85% về số vụ 17,65% số bị can, thu giữ số lượng lớn ma túy. Số vụ khám phá tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là tác động tích cực của Thông tư liên tịch số 17 của liên ngành tư pháp trung ương về giám định ma túy theo hướng tháo gỡ khó khăn. Tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp ở các tuyến truyền thống như biên giới phía Bắc, biển... Manh động, liều lĩnh nhất trong các loại tội phạm, tội phạm ma túy thường dùng vũ khí nóng, chống trả quyết liệt với lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

    Tình trạng vi phạm pháp luật chưa giảm, diễn ra khá phổ biến, đa dạng, phức tạp, nhất là trong an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, môi trường, an toàn thực phẩm, tài chính, thuế, hải quan, xây dựng, chứng khoán...

    Nguyên nhân chủ yếu do tình hình kinh tế khó khăn, thiếu việc làm tạo áp lực lớn lên các vấn đề XH; tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống trong 1 bộ phận xã hội, nhất là thanh thiếu niên đáng báo động. Quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở, như tài chính, ngân hàng, thuế, tiền tệ, đất đai... Việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong giáo dục trẻ em còn hạn chế. Cấp ủy, chính quyền nhiều nơi chưa thực sự quyết liệt. Trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức viên chức chưa đề cao trách nhiệm trong làm nhiệm vụ.

    Việc nắm tình hình giải quyết mâu thuẫn trong nhân dân, cơ quan, gia đình chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Quản lý người tâm thần, người nghiện ma túy còn bất cập; số người nghiện ở ngoài XH còn nhiều (71,7% trong tổng số 202.000 người nghiện đang sinh sống ngoài xã hội). Công tác quản lý đối tượng trong các cơ sở giáo dưỡng hiệu quả chưa cao. Hệ thống pháp luật còn sơ hở, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị cho đấu tranh phòng chống tội phạm còn hạn chế, nhất là trong đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài.

    Thời gian qua, lực lượng chức đã đã xử lý 97.097/109.083 tin báo, tố giác tội phạm, đạt 89,01%. Triệt phá 4.172 ổ nhóm tội phạm nguy hiểm. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ việc xâm phậm trật tự xã hội chiếm 82,42%. Đáng chú ý, tỷ lệ khám phá các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt đến 92,39%. Đã truy bắt 8.048 đối tượng truy nã, đạt mục tiêu QH đề ra. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được điều tra khám phá kịp thời, tạo niềm tin trong nhân dân. Tiếp tục điều tra, phát hiện nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, được dư luận quan tâm.

    Vũ Hân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/toi-pham-duoc-kiem-che-dat-muc-tieu-quoc-hoi-de-ra-a168251.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.