Nhắc về sự ra đi của con gái, ông Pe kể mình đã khóc rất nhiều. Ông thương con gái không có nổi một chuyến xe tử tế để về nhà.
Câu chuyện anh Lò Văn Muôn (Sơn La) chở thi thể em gái, chị Lò Thị Phương, vượt gần 100 km từ bệnh viện về nhà bằng xe máy khiến nhiều người ngỡ ngàng và thương cảm.
Sáng 16/9, Zing.vn tìm về bản Ít B, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai - nơi sinh sống của chị Phương trước khi qua đời.
Người phụ nữ muộn chồng
Muốn vào bản Ít B, người dân phải lụy đò sang sông. Đường vào bến đò hiểm trở, khá nguy hiểm khi lái xe máy. Phải quen đường và tay lái thật vững mới có thể vượt qua hai con đường đất nhỏ, dốc đứng và xói lở vì mưa ở hai bến đò trên hồ thủy điện Sơn La.
Những người lái đò giúp anh Muôn đưa xác em gái sang sông ngày 12/9 đều đau xót khi chứng kiến cảnh tượng ấy. Họ cùng nhau giúp đỡ và miễn phí tiền đò để giúp hai anh em.
Ông Liềm Văn Chơm, lái đò có mặt hôm đó kể lại suốt quãng đường đi đò, anh Muôn chỉ im lặng, mặt trầm ngâm đầy nét buồn bã. Anh Muôn một mình bế xác chị Phương vượt con dốc đứng phía bên kia sông vào bản Ít B vì xe máy không thể đi được.
Chuyện chở thi thể người chết bằng xe máy một quãng đường xa về nhà không phải là chuyện phổ biến ở những bản thuộc xã miền núi này. Nên hầu hết người dân quanh đây khi biết chuyện đều ngỡ ngàng và xót xa. Ai cũng xót thương cho chị Phương, họ truyền tai nhau câu chuyện về những bất hạnh nối tiếp của gia đình chị.
Chị Phương là người con gái duy nhất trong gia đình. Khi còn trẻ, chị được xem là người có sắc vóc trong bản với thân hình cao, cân đối. Nhưng vì nhiều lý do nên chị muộn chồng.
Khi con gái trong bản rủ nhau lấy chồng, sinh con từ 14 - 15 tuổi, chị Phương vẫn ở nhà cùng bố chăm em trai bệnh tật. Ngoài 30 tuổi, chị Phương mới lập gia đình và sinh con trai đầu lòng. Tuy nhiên, cậu bé mất khi vừa tròn hai tháng tuổi.
Sau đó, chị Phương sinh bé Bạc Thị Bó, hiện 7 tuổi, học lớp 1 tại điểm trường bản Ít B. Thời gian này, chồng chị Phương phát hiện bị HIV, sức khỏe suy kiệt, không thể lao động, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai chị.
Cách đây 4 năm, chồng chị Phương mất vì căn bệnh thế kỷ, gia đình chị vốn đã nghèo lại càng cơ cực hơn. Bản thân người phụ nữ dân tộc Thái cũng mắc căn bệnh này, khiến sức khỏe giảm sút.
Khi còn gắng gượng được, chị Phương sống cùng con gái trong căn lán nhỏ trên nương cao. Hàng ngày, chị làm rẫy, kiếm sống qua ngày và nuôi con đi học.
Đến tháng 9/2015, bệnh tình chị Phương trở nặng khi mắc thêm bệnh phổi. Từ đó, hai mẹ con chị Phương về nương tựa ông Lò Văn Pe, cha chị, khi đó đang sống cùng người con trai út mắc bệnh tâm thần.
Bi kịch gia đình
Suốt hơn một tháng chị Phương đổ bệnh nặng phải nằm viện, ông Pe luôn túc trực ở bệnh viện để chăm lo cho con gái. Trước nỗi đau mất con, người đàn ông gần 80 tuổi không giấu nổi sự xúc động.
Gạt vội giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ, ông Pe cho biết vì gia đình quá nghèo, không có nổi 5 triệu để thuê xe cấp cứu đưa con về. Không may, con chết trên đường đi khiến ông buồn và đau đớn vô cùng.
Người cha già với mái đầu bạc trắng, khuôn mặt sạm đen, buồn bã kể về lời dặn trước lúc ra đi của con gái mình: “Trước khi mất, con tôi bình thản lắm, nó biết trước là mình không qua khỏi nên chấp nhận. Phương dặn đi dặn lại, nhờ tôi nuôi nấng, chăm sóc giùm bé Bó, con gái nó. Tâm nguyện duy nhất của Phương là mong sao Bó được ăn học nên người”.
Hôm nay cũng là ngày bé Bó đi học lại kể từ khi mẹ mất, bé học lớp 1 tại điểm trường của bản cách nhà 600 m. Cô bé có thân hình gầy nhom nhưng cao ráo hơn hẳn so với các bạn bằng tuổi.
Từ ngày mẹ mất, Bó chỉ im lặng, đi học về là sà ngay vào vòng tay của người thím Lò Thị Chỉnh, em dâu chị Phanh. Cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ luôn nép sau lưng người lớn trong nhà khi có người lạ đến thăm hỏi.
Bé gái 7 tuổi sống cùng ông ngoại sau khi cha mẹ qua đời. Ảnh: Hoàng Lam. |
Nghe ông ngoại kể về tâm nguyện của mẹ trước khi mất, Bó khẽ nấc lên rồi bật khóc tức tưởi. Đôi mắt sáng, to tròn buồn bã của em đẫm nước mắt, cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ nép vội vào người ông ngoại để tìm sự che chở.
Giờ đây, ông ngoại chính là người trụ cột, chăm lo và nuôi dưỡng Bó đến khi trưởng thành. Nhưng tuổi già sức yếu, ông Pe chia sẻ lo lắng không biết mình có thể nuôi dưỡng cháu ngoại duy nhất của mình đến bao giờ.
Nhắc lại về sự ra đi của con gái mình, ông Pe kể mình đã khóc rất nhiều trên đường đi vì quá thương con gái không có nổi một chuyến xe tử tế đưa về nhà, phải nhờ người đi đường mua hộ cái chiếu che thân một cách sơ sài. Không chỉ ông, những người trong gia đình ai cũng đau xót vì chị Phương mất dọc đường, không được an lành ra đi trong mái nhà có người thân bao bọc.
Những hôm đầu khi chị Phương mới mất, ông Pe và mọi người trong nhà buồn nhiều lắm. Cuộc đời ông là một chuỗi dài những câu chuyện buồn khi vợ mất sớm. Người con trai út là Lò Văn Xương bị tâm thần từ nhỏ, nay đã gần 40 tuổi nhưng tâm trí điên loạn, không biết cả nói năng hay tự lo những sinh hoạt cơ bản của mình.
Vì sợ anh Xương làm loạn, phá phách hay bỏ đi, người nhà phải xích anh vào căn chòi nhỏ dựng cạnh nhà. Mọi sinh hoạt của người đàn ông này đều do một tay người cha già chăm lo. Anh trai sinh đôi với anh Xương cũng thỉnh thoảng lên cơn thần kinh, đã lớn tuổi nhưng chưa có con.
Những ngày ông Pe lên chăm chị Phương ở bệnh viện, ông phải nhờ hàng xóm, họ hàng trông hộ anh Xương. Ông sợ lúc mình không có ở nhà, anh Xương lên cơn, lại phá phách hay bỏ đi.
Chị Phương mất, mọi người thân trong gia đình đều buồn bã, khóc thương. Chỉ có người em trai út vẫn không biết gì, cười đùa, nói những lời ma mị trong thế giới của riêng mình.
Hoàng Lam - Hoàng Như
Nguồn: Zing.vn