+Aa-
    Zalo

    Toàn cảnh vụ tham nhũng gây địa chấn tại nghị trường châu Âu

    (ĐS&PL) - Giới chức Liên minh châu Âu cho rằng vụ tham nhũng tại Nghị viện châu Âu vô cùng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan công quyền, đồng thời yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập.

    Những đồng tiền trái phép

    Ngày 9/12, cảnh sát liên bang Bỉ đã tiến hành ít nhất 16 cuộc đột kích, bắt giữ 5 người với cáo buộc “tổ chức tội phạm, tham nhũng và rửa tiền”.  Các cuộc lục soát đã tìm được 600.000 euro tiền mặt, các điện thoại và máy tính.

    Các nhà điều tra nghi ngờ Qatar, nước chủ nhà World Cup 2022, đã gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính trị của Nghị viện châu Âu (EP) bằng cách chi ra số tiền lớn hoặc quà cáp giá trị cao cho các nhân vật có ảnh hưởng tại nghị viện trong 2 năm qua.

    nghi vien chau au trong vong xoay tham nhung khung 2022 dspl
    Một phiên họp của Nghị viện châu Âu. Ảnh minh hoạ

    Ngày 11/12, các công tố viên liên bang của Bỉ đã buộc tội bốn người, trong đó có bà Eva Kaili, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu về tội tham nhũng, rửa tiền.

    Ngày 13/12, bà Eva Kaili chính thức mất chức Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu. Kết quả bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu cho thấy 625 phiếu đồng ý chấm dứt nhiệm kỳ phó chủ tịch của bà Kaili, trong khi chỉ có một phiếu chống và hai phiếu trắng.

    Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu - bà Roberta Metsola nhấn mạnh: “Không có điều gì có thể che giấu được. Cuộc điều tra nội bộ của chúng ta sẽ xem xét những gì đã xảy ra cũng như tìm cách làm cho hệ thống của chúng ta có thể vững chắc hơn".

    Eva Kaili là ai?

    Bà Eva Kaili, người Hy Lạp, một trong 14 Phó Chủ tịch EP và là thành viên của nhóm Liên minh cấp tiến Xã hội và Dân chủ (S&D) tại cơ quan này.

    Bà Eva Kaili vốn là một cựu dẫn chương trình tin tức nổi tiếng ở Hy Lạp và cũng là một trong những nữ nghị sĩ quyến rũ nhất của Brussels. Bà đồng thời nổi lên như là một trong những người ủng hộ Qatar mạnh mẽ nhất.

    Gần đây bà Eva Kaili đã gọi Qatar là quốc gia đi đầu về quyền lao động, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Lao động Qatar, bất chấp những lo ngại sâu sắc của quốc tế về điều kiện cho công nhân xây dựng các sân vận động World Cup.

    Các tổ chức chính trị mà bà Eva Kaily tham gia đã nhanh chóng phản ứng với cuộc điều tra tham nhũng. Đảng Xã hội Hy Lạp đã nhanh chóng ra thông báo khai trừ Eva Kaili khỏi đảng này. Bà cũng bị nhóm Liên minh Xã hội và Dân chủ tại Nghị viện châu Âu đình chỉ tư cách thành viên.

    nghi vien chau au trong vong xoay tham nhung khung 2022 dspl 2
    Bà Eva Kaili.

    Ngày 13/12, Michalis Dimitrakopoulos, luật sư của bà Kaili ở Hy Lạp, khẳng định bà vô tội. “Bà ấy không liên quan gì đến tiền từ Qatar, không có gì, một cách rõ ràng và dứt khoát”, ông Dimitrakopoulos nói với kênh truyền hình Open TV trong phát biểu công khai đầu tiên.

    Trong khi đó, nhiều nghị sĩ kêu gọi nữ chính trị gia 44 tuổi rời khỏi Nghị viện. “Với quy mô vụ bê bối tham nhũng, đây là điều tối thiểu chúng tôi có thể chờ đợi ở bà ấy”, nghị sĩ Manon Aubry, đồng chủ tịch nhóm cánh tả, phát biểu.

    Phản ứng của Liên minh Châu Âu

    Giữa bối cảnh đó, Tổ chức Minh bạch Quốc tế kêu gọi phải "cải tổ triệt để" EP. "Đây không phải là vụ việc cá biệt. Suốt nhiều thập kỷ qua EP duy trì văn hoá không bị trừng phạt. Họ kiểm soát tài chính một cách lỏng lẻo và hoàn toàn không có sự kiểm soát độc lập của bất kỳ bên nào" - ông Michiel van Hulten, Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nhấn mạnh.

    Ông Michiel van Hulten, cựu thành viên EP, cho rằng "đã đến lúc cải tổ gốc rễ EP" và kêu gọi Nghị viện châu Âu điều tra đầy đủ về cáo buộc hối lộ của Qatar với các thành viên tổ chức.

    "Vụ bê bối mở ra nhiều chiếc hộp Pandora cùng lúc, bao gồm những thiếu sót trong hệ thống các chuẩn mực của Liên minh châu Âu (EU) và ảnh hưởng của nước ngoài đối với EU" - Giáo sư luật học Alberto Alemanno tại Bỉ đánh giá.

    Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói: “Đây là một vụ việc không thể tin được, cần phải được làm sáng tỏ hoàn toàn bằng pháp luật. Đây là vấn đề về uy tín của cả châu Âu, vì vậy điều này phải gây ra hậu quả ở nhiều lĩnh vực khác nhau”.

    Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói: “Đây là vấn đề nghiêm trọng. Tôi không bình luận sâu về vụ việc này bởi cơ quan tư pháp sẽ làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, chúng tôi muốn vụ việc được làm sáng tỏ”.

    nghi vien chau au trong vong xoay tham nhung khung 2022 dspl 4
    Bà Eva Kaili trong cuộc gặp Bộ trưởng Lao động Qatar Ali bin Samikh Al Marri ngày 31/10/2022. Ảnh: Reuters

    Trong khi đó, quan chức hàng đầu của EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về các cáo buộc trong vụ việc. Bà Von der Leyen phát biểu tại một cuộc họp báo: “Sự tự tin và tin tưởng vào các tổ chức của chúng ta cần các tiêu chuẩn cao nhất về tính độc lập và liêm chính”.

    Bà Leyen cũng kêu gọi thành lập một cơ quan giám sát đạo đức độc lập trong tương lai. “Vụ việc này sẽ đi vào lịch sử như một trong những vụ vi phạm lớn nhất và gây sốc nhất—có thể là vụ bê bối lớn nhất trong nền chính trị châu Âu”, ông Alberto Alemanno, Giáo sư về Luật EU tại trường HEC Paris, nhận xét. EU có ba cơ quan chính định hình luật, bao gồm Nghị viện, Hội đồng châu Âu và EC.

    Phía Qatar nói gì?

    Phái đoàn Qatar tại Liên minh châu Âu phủ nhận các cáo buộc về những hành vi sai trái và khẳng định  quốc gia này luôn tuân thủ luật pháp và các quy định quốc tế. Mọi cáo buộc  nhằm vào nước này đều không có căn cứ.

    Trong một bài đăng trên Twitter của Bộ Ngoại giao. Cơ quan này nói: “Bất kỳ mối liên hệ nào của Chính phủ Qatar với các tuyên bố được đưa ra là vô căn cứ và là thông tin sai lệch nghiêm trọng”.

    Cuộc điều tra của các quan chức Bỉ diễn ra khi Qatar đang tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh, FIFA World Cup. Đất nước này đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về những điều kiện lao động và đối xử với người lao động nhập cư, đặc biệt là tại những công trình phục vụ giải đấu.

    Việc duy trì danh tiếng tốt cho đất nước là rất quan trọng, vì Qatar đang nỗ lực để đạt được các thỏa thuận với các nước EU về khí đốt tự nhiên. Ngoài ra, một đề xuất cho phép người Qatar đi lại miễn thị thực đến khu vực Schengen (khu vực miễn thị thực) của EU cũng đang được đưa ra tại Nghị viện châu Âu.

    Ông Philip Nichols, Giáo sư tại Đại học Pennsylvania và là chuyên gia về tham nhũng, cho biết: “Vụ việc làm giảm uy tín của Qatar và gây khó khăn cho việc chứng minh rằng họ đã làm được điều gì đó thúc đẩy tiến bộ về quyền lao động”.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/toan-canh-vu-tham-nhung-gay-dia-chan-tai-nghi-truong-chau-au-a560435.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan