4 xe sang rước dâu dừng giữa đường
Ngày 26/3, trên mạng xã hội lan truyền clip 4 xe sang rước dâu dừng giữa đường trên trục Bắc- Nam đoạn qua huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương để chụp ảnh. Thời điểm này, tuyến đường có nhiều phương tiện giao thông di chuyển. Hành động của đoàn xe rước dâu khiến giao thông tại khu vực này bị tắc nghẽn, gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác.
Sau khi đoạn clip trên được đăng tải nhiều ý kiến đã bình luận khi không đồng tình với hành động coi thường luật giao thông của đoàn xe rước dâu, đề nghị cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo báo Thanh Niên, sau đó cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, sự việc xảy ra vào khoảng 14h50 ngày 21/4, trên đường trục Bắc- Nam, đoạn qua địa phận xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Một đoạn xe rước dâu không đeo biển số, dừng, đỗ xe trên lòng đường để quay phim, chụp ảnh cưới gây mất an ninh trật tự.
Cơ quan công an cũng xác định được danh tính 4 người điều khiển 4 xe sang.
Công an huyện Gia Lộc cũng tạm giữ giấy phép lái xe ô tô của 4 đối tượng trên và tạm giữ chiếc ô tô nhãn hiệu Mercedes Maybach S400 không gắn biển số, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.
Lật tẩy mánh khóe của Hải "Idol"
Liên quan đến vụ việc, theo báo Tuổi Trẻ, tối 19/5, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin về diễn biến điều tra vụ Hải "Idol" và 3 người khác trong đoàn xe sang rước dâu dừng giữa đường để chụp ảnh.
Theo cơ quan công an, Phạm Đức Hải (thường gọi Hải "idol") thường sáng tạo nội dung, sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội để bán hàng quần áo online. Để phục vụ việc này, Hải lập một bộ phận truyền thông để sản xuất các video, hình ảnh đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội.
Ngày 21/4, diễn ra đám cưới của Nguyễn Văn Năm (nhân viên cũ của Hải). Do vậy, từ ngày 19/4, Hải "idol" lên ý tưởng về việc có 4 chiếc xe sang ở đám cưới. Bộ phận truyền thông sau đó triển khai trang trí 4 xe hoa, lên kịch bản, sản xuất và đăng tải các video có liên quan. Mục đích của nhóm này là mượn đám cưới của Năm để đánh bóng tên tuổi, tăng lượng người theo dõi và tương tác trên các kênh bán hàng.
Khoảng 15h ngày 21/4, Phạm Đức Hải xếp đội hình ô tô và cùng nhiều người khác thực hiện hành vi dừng 4 xe sang giữa đường trục Bắc - Nam để chụp ảnh. Đoàn xe sau đó di chuyển trên đường và Vương Đình Trường phát livestream để tăng lượng tương tác, thu hút hàng nghìn lượt xem.
"Đến tối cùng ngày, khi về xem lại livestream đã phát Hải thấy có nhiều bình luận trái chiều, tiêu cực, lên án hành vi của mình và đoàn xe hoa nên tự xóa và gỡ bỏ đoạn livestream trên", theo cơ quan công an.
Cục Cảnh sát giao thông nhận định hành vi của Hải và các đối tượng liên quan vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông trên đoạn đường từ quốc lộ 38 đi vào đường trục Bắc - Nam, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
"Đây được coi là hành vi cố ý vi phạm quy định pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người tham gia giao thông, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân", Cục Cảnh sát giao thông đánh giá, đồng thời cho hay nhiều người sử dụng mạng xã hội đã bày tỏ ý kiến bức xúc, bất bình và lên án hành vi vi phạm này.
Đánh giá hành vi trên làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tạo dư luận xấu trong xã hội, ngày 16/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với Phạm Đức Hải (sinh năm 1996, trú huyện Gia Lộc, Hải Dương), Vương Đình Trường (sinh năm 2004, trú huyện Tân Kỳ, Nghệ An) tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 2 điều 318 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Năm (sinh năm 1999, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương) và Phạm Ngọc Phong (sinh năm 1999, trú phường Thanh Bình, TP Hải Dương) tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 điều 318 Bộ luật Hình sự.
Tội danh của Hải "Idol" bị khởi tố có khung hình phạt ra sao?
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho hay, theo quy định của pháp luật, việc xúi giục người khác gây rối trật tự công cộng có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật về dân sự.
Theo điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, về vi phạm quy định về trật tự công cộng, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng (đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần cá nhân vi phạm).
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội gây rối trật tự công cộng (không áp dụng với pháp nhân thương mại), cụ thể: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm.
Đồng thời, theo Điều 17 Bộ luật này thì người xúi giục (là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm) được xem là người đồng phạm trong vụ án. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành (người trực tiếp thực hiện tội phạm).
Như vậy, tùy thuộc và từng hành vi vi phạm cụ thể nếu xét đủ các yếu tố cấu thành tội phạm: khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan mà tội gây rối mất trật tự công cộng sẽ bị phạt hành chính hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.