(ĐSPL)- Những ngày này, hàng vạn gia đình đang vui mừng chờ giây phút chào đón người thân một thời lầm lỡ, được trở về tái hòa nhập cộng đồng nhờ chính sách nhân đạo, đặc xá tha tù trước thời hạn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện luật Đặc xá đã được Quốc hội thông qua năm 2007, nhiều năm qua, cứ đến những ngày lễ lớn của đất nước là lại có hàng vạn phạm nhân được tái hòa nhập cộng đồng. Năm nay, niềm vui được lan tỏa và nhân lên gấp bội khi số lượng người hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng lên tới hơn 18.000 người...
Khoan hồng và bao dung
Đợt đặc xá năm nay được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay, khẳng định chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, đối với những con người một thời lầm lỗi đang chấp hành hình phạt nghiêm minh của pháp luật. Ngày đặc xá tới sẽ là một ngày hội, ngày của sự tha thứ, của đoàn tụ và ước mong làm lại cuộc đời.
Chân trời mới sẽ mở ra nhiều hi vọng cho những người đã từng lầm lỗi. |
Theo thông tin từ Hội đồng Tư vấn Đặc xá Trung ương, ngày 22/8, Hội đồng đặc xá đã trình Chủ tịch nước trên 18.000 phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá tha tù trước thời hạn. Đây là số lượng người được đặc xá trước thời hạn lớn nhất từ trước đến nay. Ngay khi có Quyết định của Chủ tịch nước, tất cả các đơn vị liên quan như bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân Tối cao, bộ Tư pháp..., đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện công tác đặc xá, nhằm đảm bảo cho công tác đặc xá năm 2015 được thực hiện đúng đối tượng, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Theo số liệu của bộ Công an qua theo dõi đợt đặc xá gần đây nhất, năm 2013, tỉ lệ tái vi phạm pháp luật của người được đặc xá rất nhỏ, 0,73\%. Do vậy, mặc dù lượng người được đặc xá đông, nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương vẫn được đảm bảo. Công tác đặc xá đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Chính sách nhân đạo trong công tác đặc xá của Đảng, Nhà nước không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù trước thời hạn, mà còn được thể hiện trong việc tạo điều kiện để những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng. Những phạm nhân được đặc xá là niềm an ủi, là sự khích lệ lớn cho các phạm nhân khác còn ở trong trại yên tâm cải tạo.
Những người vượt qua lỗi lầm
Xuất thân từ một gia đình nghèo khó nên Phạm Công Khai (SN 1971), trú tại huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) rất có chí làm giàu. Tuy nhiên, chỉ vì quá ham muốn được làm giàu nhanh chóng, anh đã sa chân vào con đường buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Cái giá phải trả cho việc “đốt cháy” giai đoạn này là bản án 6 năm tù. Với quyết tâm cải tạo thật tốt, Khai đã tham gia tích cực và hoàn thành tốt các công việc được giao. Trong suốt thời gian thụ án, anh đều được tin tưởng giao làm đội trưởng các đội phạm nhân. Nhờ cải tạo xuất sắc, anh được ra tù trước thời hạn theo chính sách khoan hồng của pháp luật. Ngày 2/9/2004, anh Phạm Công Khai được đặc xá, ra tù trước thời hạn.
Không chỉ lo tập trung làm kinh tế, Hoàng Văn Lục luôn xây dựng cho mình và gia đình một lối sống đạo đức, không gây ra bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào. Tấm gương đầy nghị lực của anh đã được Công an Diễn Châu, tỉnh Nghệ An xây dựng điển hình tiên tiến mới trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc” và được chọn để nhân rộng trong toàn huyện. Tháng 7/2014, anh Hoàng Văn Lục còn được Công an tỉnh Nghệ An tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng. Nói về nhân vật điển hình này, Trung tá Phạm Ngọc Hoa, Đội phó đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã thuộc Công an huyện Diễn Châu cho biết: “Hoàng Văn Lục là một tấm gương sáng trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Từ khi trở lại hoàn lương, Lục không đi theo lỗi lầm cũ nữa mà tập trung sản xuất kinh doanh, tu dưỡng đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội”.
Nhân vật tiếp theo là “hiệp sỹ đường phố” Phạm Hoài Bảo, một trường hợp hoàn lương được cho là đặc biệt. Công việc hiện tại của anh là chủ quán cà phê “cóc” ven QL1A kiêm luôn chân phục vụ bàn. Lúc rảnh rỗi, anh Bảo còn làm thêm nghề hớt tóc. Cuộc mưu sinh bận rộn nhưng giản dị ấy đã góp phần giúp anh tìm lại chính mình sau những lầm lỗi, xốc nổi và làm nhiều việc ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Khi hỏi về thành tích truy bắt tên lừa đảo, anh Bảo khiêm tốn từ chối vì nghĩ việc mình làm rất đỗi bình thường. Còn với người dân và cả cán bộ công an, tinh thần trách nhiệm và sự can đảm của anh Bảo rất đáng khâm phục, hoan nghênh.
Giã từ cánh cổng trại giam, chị Tăng Thị Lan Phương (SN 1974), trú khối 4, phường Quang Trung, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), giờ đã là cô giáo của hơn 30 em học sinh đủ các lứa tuổi tiểu học. Tuy đồng lương nhận được chưa phải là nhiều nhưng chị vẫn trích một ít để mua quà cho những phạm nhân từng gắn bó với mình trong trại giam.
Những tháng ngày trong song sắt, chị đã ngấm được cách “làm người và nhìn người”, để bước ra khỏi đó, chị sống ý nghĩa hơn. Hiện, theo đánh giá của chính quyền địa phương nơi “cựu” phạm nhân này sống, những tháng ngày hoàn lương, chị Phương cùng gia đình chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước, đồng thời, tham gia nhiệt tình các công tác tuyên truyền pháp luật trong khu dân cư.
Giã từ dĩ vãng làm lại cuộc đời
Đã nhiều ngày nay, tại các buồng giam của khắp những trại giam trên cả nước, người ta đã cảm nhận một không khí nhộn nhịp khác thường. Tay bắt mặt mừng, họ tặng cho nhau những câu chuyện vui, những bài hát mà họ hay hát mỗi khi đón nhận một niềm vui nào đó để chuẩn bị về với cộng đồng sau khoảng thời gian chăm chỉ cải tạo. Gặp gỡ và tiếp xúc với những phạm nhân được đề nghị đặc xá, chúng tôi mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc, sự phấn chấn của họ trong những ngày tháng hồi hộp này. Và phía sau niềm vui ấy chất chứa biết bao tâm tư, nỗi niềm, những quyết tâm và nghị lực của họ trong thời gian cải tạo. Phía trước sẽ là tương lai, thành công hay thất bại của những người đi trước chính là động lực để họ phấn đấu.
Cũng từng trải qua cảnh “cơm tù, áo số”, ông Trần Văn Thành (SN 1950), hiện sống tại tổ 1, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh). Nhờ cải tạo tốt, đã trở thành một trong những phạm nhân được đặc xá đợt đầu tiên của nước ta (năm 1995). Trở về với cuộc sống cộng đồng, dẫu cơ cực trăm bề, con người từng lầm lỡ ấy vẫn kiên định, hoàn lương. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, ông đã dần khôi phục lại được “nhựa sống” cho gia đình. Các con ông giờ đã lập gia đình và đều có công việc ổn định. Ngôi nhà lụp xụp cũ đã được ông xây mới, cao ráo, khang trang. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc. Tại Hội nghị tổng kết Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn Hà Tĩnh, ông đã được bộ Công an tặng Bằng khen.
Từ chàng thanh niên chân đất đến đại ca “Quạ đen” là hành trình lầm lỗi của chàng trai Nguyễn Viết Toán (35 tuổi) ở thôn Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Những tháng ngày “chiêm ngẫm” cuộc đời trong nhà lao, gã đã nghiệm ra những giá trị của một cuộc sống lương thiện. Được đặc xá trước thời hạn, gã quay lại với nghề thợ xây và nhanh chóng trở thành ông chủ thầu xây dựng ở Phú Riềng. Sau đó, gã trở thành ông chủ của một cơ sở đúc chậu cảnh lớn, ăn nên làm ra ở Quảng Trị. Toán bảo, nghề làm chậu cảnh đã giúp gã khẳng định mình trên thương trường và tạo điều kiện để gã giúp đỡ những người nghèo khó, những người cùng cảnh ngộ. Đây thực sự là cái kết vẹn toàn của một đại ca từng “chọc nước khuấy trời”...
Từ một người lầm lỡ, anh Nguyễn Viết Toán đã trở thành ông chủ, giúp nhiều người nghèo khó khác. |
Sau ngày 30/8/2015, sẽ có hàng vạn gia đình đón người thân lầm lỗi trở về, chặng đường hoàn lương còn rất nhiều thử thách, bên cạnh nỗ lực phục thiện của bản thân, chiến thắng mặc cảm, tự ti, làm lại cuộc đời. Hy vọng rằng sau chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa những người có ích cho xã hội khi có ánh bình minh của cuộc sống soi đường.
LẠI CƯỜNG – ANH ĐỨC – LOAN NGUYỄN
Xem thêm video:
[mecloud] yrx1BzQrGC[/mecloud]