+Aa-
    Zalo

    Toàn cảnh phiên tòa xét xử chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

    (ĐS&PL) - Ngày 24/12, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 về các tội Đưa, Nhận hối lộ; Che giấu tội phạm...

    Trong vụ án, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, bị truy tố về tội Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị cáo Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt; Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương; Nguyễn Văn Văn, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam; Lê Ngọc Tường, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam,... bị đưa ra xét xử về tội Nhận hối lộ.

    Từ lời bao biện của cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ...

    Là người đầu tiên đứng trước bục khai báo trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên đã khai báo mọi hành vi phạm tội, nhưng khi thực hiện hành vi, bị cáo không nhận thức hết.

    Cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên khai, trong quá trình công tác có quan hệ với Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đã bị xét xử trong giai đoạn 1 và Lê Văn Nghĩa, cựu Giám đốc Công ty Nhật Minh, đã bị xét xử trong giai đoạn 1.

    Toàn cảnh phiên tòa. (Ảnh Nam Phương)

    Toàn cảnh phiên tòa. (Ảnh Nam Phương)

    Trước khi tổ chức các chuyến bay từ nước ngoài về Thái Nguyên thời điểm dịch COVID-19, Tùng có gặp Lê Văn Nghĩa để trao đổi các thủ tục để cách ly ở Thái Nguyên và trao đổi về giá tiền trọn gói cách ly cũng như số tiền chênh lệch.Giá trọn gói cách ly là 17-18 triệu đồng/người, giá thực tế ký hợp đồng chỉ là 10-12 triệu đồng.

    Thỏa thuận xong thì bị cáo Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt thực hiện cách ly mới đến. Bà Quyên có gặp ông Nghĩa, có biết chuyện tiền ngoài hợp đồng và được ông Tùng giao nhận đủ 18 triệu đồng/khách để tổ chức cách ly.

    Sau khi tổ chức các chuyến bay về nước, Trần Tùng nhận được từ Trần Thị Quyên hơn 2,9 tỷ đồng. Trên thực tế, Lê Văn Nghĩa chuyển cho Quyên hơn 11 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 6 tỷ đồng theo hợp đồng, hơn 4 tỷ đồng không theo hợp đồng. 

    Bị cáo Trần Tùng cũng khai, có quan hệ với Trần Minh Phụng, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch và xây dựng Gia Huy thông qua một nhóm chat trên mạng xã hội của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

    Sau đó, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên đã giới thiệu bị cáo Phụng cho Vũ Hồng Nam. Ngoài các chuyến bay của Công ty Nhật Minh, Trần Tùng còn lựa chọn bà Bùi Thị Kim Phụng, đại diện Công ty Fujitravel, Nhật Bản, để phối hợp thực hiện "chuyến bay giải cứu". Bà Phụng sẽ liên hệ bán vé trọn gói cho công dân, thuê tàu bay đưa công dân từ Nhật Bản đến sân bay Nội Bài; chuyển tiền để Trần Tùng thực hiện đón công dân từ sân bay về địa điểm cách ly và thực hiện cách ly.

    Sau khi thống nhất, Trần Tùng đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn bà Phụng mượn pháp nhân của Công ty cổ phần Én Việt xin cấp phép thực hiện 2 chuyến bay. Ngày 15/11/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có công điện số 506 đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận 2.300 công dân về nước.

    Bị cáo Tùng đề nghị cho Công ty Én Việt được thực hiện chuyến bay, giao cho Trần Thị Quyên, Nguyễn Thị Hảo giám sát, thanh toán dịch vụ đón, cách ly cho công dân về nước. Với hành vi này, Trần Tùng đã hưởng lợi 3,2 tỷ đồng khi thực hiện dịch vụ cách ly cho công dân. 

    "Bị cáo thấy tổ chức thế có lãi nên làm?" HĐXX đưa ra câu hỏi.

    “Tổ chức cho công dân ở nước ngoài về cách ly ở Thái Nguyên, bị cáo thấy đây là cơ hội để kiếm thêm, có thu nhập có lãi”, bị cáo Trần Tùng khai.

    Bị cáo có biết như vậy là sai không?, HĐXX truy vấn.

    Trần Tùng: Bị cáo không nhận thức được hành vi của mình.

    Khi được HĐXX dành cho thời gian tự bào chữa, bị cáo Trần Tùng cho biết bản thân rất "sót ruột" khi chứng kiến bà con ở nước ngoài phải khổ sở, vất vả và mất rất nhiều tiền để có thể về Việt Nam. Do đó, bị cáo Tùng kể đã phải đích thân thuyết phục các khách sạn đồng ý tiếp nhận người dân về nước, thậm chí bảo cấp dưới thuê người bên ngoài làm thay nếu khách sạn không có nhân viên.

    Đối với Lê Văn Nghĩa và Trần Minh, bị cáo Tùng khai rằng đã nhiều lần mặc cả về giá, về các dịch vụ trọn gói cho việc cách ly của người dân.  "Bản thân bị cáo mặc cả với Nghĩa về một dịch vụ trọn gói trong 14 ngày cách ly với một mức giá vô cùng hợp lý. Bị cáo đã yêu cầu Nghĩa giảm giá khi bán "gói cách ly" cho bà con, và ông Nghĩa có nói với bị cáo "theo yêu cầu của chú, anh giảm giá 6 triệu đồng cho bà con"", ông Tùng phân trần.

    Theo trình bày của cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên, bị cáo muốn bà con được giảm giá và bản thân cũng có lợi "ở mức độ phù hợp". Bị cáo này giải thích, khi đó không hề nhận thức được hành vi này là vi phạm pháp luật.

    Bị cáo Trần Tùng tại phiên tòa.

    Bị cáo Trần Tùng tại phiên tòa.

    "Bị cáo có thể tự hào nói rằng bị cáo đã tổ chức việc cung cấp dịch vụ bà con rất tốt trong suốt thời gian cách ly. Người dân sau đó có rất nhiều lời cảm ơn qua thư, clip gửi tỉnh Thái Nguyên khi cung cấp nơi cách ly rất tốt cho họ", bị cáo Tùng phân trần.

    Trái với lời bao biện "muốn bà con được giảm giá", cáo trạng đã chứng minh nếu Trần Tùng thật sự mong muốn như vậy, người dân sẽ chỉ phải trả 10-12 triệu đồng chứ không phải 18 triệu đồng/người.  Theo bản luận tội, Trần Tùng yêu cầu Nghĩa phải ký hợp đồng dịch vụ cách ly với Công ty Sen Vàng Đất Việt của Trần Thị Quyên; chỉ đạo Quyên và thỏa thuận, yêu cầu Nghĩa với giá dịch vụ trọn gói của hợp đồng là 18 triệu đồng.

    Đánh giá về bị cáo Trần Tùng, cơ quan tố tụng cho rằng ông này là chủ mưu, cầm đầu trong vi phạm xảy ra tại Sở Ngoại vụ Thái Nguyên, còn Trần Thị Quyên có vai trò giúp sức.

    Trên cơ sở đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Tùng 7-8 năm tù về tội Nhận hối lộ, 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt chung đề nghị đối với bị cáo Trần Tùng là 12-14 năm tù.

    …đến lời khai vòng vo của cựu cán bộ công an

    Trong giai đoạn 2 vụ án chuyến bay giải cứu, TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử một cựu cán bộ công an về tội Che giấu tội phạm, là Nguyễn Xuân Thông.

    Tại phiên tòa ngày 24/12, khi được HĐXX yêu cầu kể lại hành vi phạm tội, trong đó có việc "tư vấn" cho nhóm giám đốc doanh nghiệp khai báo với cơ quan điều tra, bị cáo Thông khai báo "vòng vo".Thông trình bày quen biết với Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa, bị cáo giai đoạn 1 của vụ án) từ lâu.

    Ngày 28/7/2022, Trần Minh Tuấn cùng Phạm Bá Sơn (bị cáo giai đoạn 1) hẹn gặp Thông tại một nhà hàng. "Lúc đầu bị cáo không nhớ có cuộc gặp tại quán này, nhưng sau khi được cán bộ điều tra nhắc lại và kiểm tra lại các tin nhắn điện thoại bị cáo mới nhớ", bị cáo Thông khai tại tòa.

    Bị cáo Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ Bộ Công an. (Ảnh: Nam Phương)

    Bị cáo Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ Bộ Công an. (Ảnh: Nam Phương)

    Chủ tọa hỏi: "Bị cáo đã tư vấn những gì trong bữa ăn đó cùng Tuấn?". Thông khai bản thân không nói trực tiếp với Tuấn mà tất cả anh em tại bữa ăn cùng "bàn tán, nói ra nói vào" quanh việc Tuấn nhận tiền "của ai đó" rồi trả lại.

    Trước câu trả lời trên, HĐXX nhắc nhở Thông khai báo thành khẩn, đúng sự thật khách quan vì Thông nắm rõ sự việc và các bên hẹn ra nhà hàng để được Thông tư vấn chứ không có chuyện "vô tình được nghe". 

    Theo cáo buộc, Thông tư vấn cho nhóm đối tượng về việc khai báo đối phó với cơ quan công an. "Bị cáo nói với Tuấn, Sơn rằng khi làm việc với cơ quan công an khai đã trả lại tiền, cái gì rõ ràng thì khai, không rõ thì nói không nhớ, về bàn bạc lại và khai sau. Bị cáo còn tác động cán bộ điều tra lùi lịch hẹn cho các đối tượng,…", HĐXX chất vấn.

    Chủ tọa hỏi tiếp: "Tôi biết bị cáo là cán bộ công an nhưng sự thật phải khách quan. Bị cáo nhận thức thế nào về hành vi phạm tội?".

    Đến lúc này, Thông thừa nhận nội dung cáo trạng. "Bị cáo từng là cán bộ công an được đào tạo bài bản, nhưng vì câu chuyện anh em nên giờ bị cáo mất hết", bị cáo Thông bày tỏ ân hận và mong tòa xem xét cho có cơ hội để sửa chữa sai lầm.

    Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Thông 24-36 tháng về tội Che giấu tội phạm nhưng cho hưởng án treo.

    Những giọt nước mắt ân hận

    Được quyền tranh luận, các bị cáo tại phiên tòa xét xử đều nhận tội chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về xã hội. Nhiều bị cáo đã khóc khi nói về hành vi sai trái của bản thân, nghĩ về gia đình…

    Là người đầu tiên đứng trước bục khai báo, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên nghẹn ngào trình bày, từ khi bị khởi tố đến nay luôn day dứt, ăn năn, hối cải về việc làm sai trái của bản thân. Bị cáo mong tòa mở lượng khoan hồng xem xét vai trò trong vụ án, khi thực hiện hành vi phạm tội đơn lẻ, ở một địa phương cụ thể, không phải đầu mưu.

    Các bị cáo tại phiên tòa.

    Các bị cáo tại phiên tòa.

    "Bị cáo đã được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường công chức nhưng do nhận thức sai lầm, thiếu hiểu biết mà phá hỏng tất cả, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, địa phương. Bị cáo vô cùng ân hận về điều này", cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên nói trong ân hận.

    Bị cáo Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt, cho biết sau khi được giao nhiệm vụ thực hiện công tác cách ly, bị cáo không ngại nguy hiểm, gian khó, tiếp xúc với những người trực tiếp gặp bệnh nhân mắc COVID-19.

    "Bị cáo cũng không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật cho tới khi cơ quan điều tra giải thích, bị cáo đã hiểu ra điều này. Bị cáo sinh ra trong gia đình con nhà nghèo, hiện phải chăm sóc bố mẹ. Bị cáo mong được hưởng sự khoan hồng nhất của pháp luật để sớm có điều kiện chăm sóc gia đình và con", nữ bị cáo bật khóc tại tòa.

    Cùng tâm trạng, bị cáo Nguyễn Mạnh Cương, cựu Trưởng phòng Thương mại điện tử hãng Vietjet cũng bật khóc khi lên bục tự bào chữa. Bị cáo Cương nói rằng vì sai lầm mà ngày hôm nay phải đứng trước toà và trả giá, bị cáo xin HĐXX cho bị cáo có cơ hội sớm trở lại, mong lấy bản thân mình làm tấm gương cho thế hệ sau phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật.

    Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an, bị xét xử về tội che giấu tội phạm, thừa nhận hành vi và nói rằng, đây là vết nhơ theo suốt cuộc đời. Chỉ vì nể nang, dẫn đến hành vi phạm tội, mất hết tất cả 30 năm phấn đấu ở lực lượng công an. Bị cáo cũng nói, trước khi ngồi ở phòng xét xử, bị cáo đã phải đấu tranh tâm lý rất nhiều và suy nghĩ rất nhiều. "Bị cáo đã để lại những vết nhơ trong cuộc đời, nói chung là rất buồn. Bị cáo xin HĐXX, đại diện VKS mở lòng bao dung để bị cáo sớm có cơ hội làm lại cuộc đời, tái sinh lại cuộc đời", bị cáo trình bày.

    Nói lời sau cùng, cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường (45 tuổi) giãi bày, trong 20 năm công tác dù ở vị trí nào, phân công nhiệm vụ gì ông cũng luôn nỗ lực, cố gắng hết mình, tận tâm để hoàn thành nhiệm vụ. 

    Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, bị cáo luôn cố gắng để phòng, chống dịch và đưa công dân về nước cách ly. Điều đau xót, nuối tiếc nhất của bị cáo trong vụ án này là nhận quà bằng tiền của đại diện một doanh nghiệp.  Bị cáo Tường phân trần, hành vi nhận tiền này là hoàn toàn sai nên ngay từ đầu đã tới công an đầu thú, khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, vận động gia đình nộp lại toàn bộ số tiền để khắc phục hậu quả.

    Bị cáo Lê Ngọc Tường, cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam trước bục khai báo (Ảnh: Nam Phương).

    Bị cáo Lê Ngọc Tường, cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam trước bục khai báo (Ảnh: Nam Phương).

    "Bị cáo đã nhận hình thức khai trừ khỏi Đảng, miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, đến nay chỉ là công dân bình thường. Bị cáo kính mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để có cơ hội phụng dưỡng bố mẹ, nuôi dưỡng 2 con nhỏ", ông Tường nói.

    Bị cáo Nguyễn Văn Văn, cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay, bản thân rất hối hận và gửi lời xin lỗi tới Đảng bộ, chính quyền Quảng Nam.

    "Trong chừng mực nào đó hành vi của bị cáo ảnh hưởng đến người dân từ nước ngoài về cách ly tại Quảng Nam", ông Văn nói.  Với 35 năm làm bác sĩ, bị cáo mong muốn được hưởng mức án nhẹ nhất để có thể tiếp tục chăm lo sức khỏe cho người dân tại địa phương.

    Cụ thể các mức án

    Chiều 27/12, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết dành cho 17 bị can trong giai đoạn 2 vụ án "chuyến bay giải cứu".

    Người duy nhất bị xét xử với 2 tội danh - bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên - bị tuyên phạt 7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 5 năm tù về tội Nhận hối lộ, tổng hình phạt 12 năm tù.

    Bị cáo Nguyễn Văn Văn, cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và Lê Ngọc Tường, cựu Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cùng bị phạt 2 năm tù về tội Nhận hối lộ.

    Mức án cụ thể của các bị cáo 

    Tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ: 

    1. Trần Tùng (SN 1978, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên): 7 năm tù về tội nhận hối lộ, 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt 12 năm. 

    Tội Nhận hối lộ: 

    2. Trần Thị Quyên (SN 1986, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt): 2 năm tù 

    3. Lê Thị Phượng (SN 1969, cựu nguyên Chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương): 2 năm tù 

    4. Nguyễn Văn Văn (SN 1965, cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam): 2 năm tù 

    5. Lê Ngọc Tường (SN 1979, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam): 2 năm tù 

    6. Nguyễn Mạnh Trường (SN 1980, nguyên Chuyên viên Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải): 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. 

    Tội Đưa hối lộ: 

    7. Vũ Hồng Quang (SN 1977, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải): 3 năm 6 tháng tù, tổng hợp hình phạt 4 năm tù ở vụ án giai đoạn 1 là 7 năm 6 tháng tù.

    8. Trần Thanh Nhã (SN 1991, trú tại quận Bình Thạnh, TP HCM): 3 năm tù 

    9. Vũ Hoàng Dũng (SN 1987, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội): 2 năm tù 

    10. Nguyễn Mạnh Cương (SN 1977, cựu Trưởng phòng Thương mại Điện tử Công ty Cổ phần thương mại hàng không Vietjet): 2 năm tù 

    11. Đặng Nhật Đức (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan): 3 năm tù 

    12. Bùi Đăng Khoa (SN 1984, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du ngoạn thế giới): 2 năm tù 

    13. Trương Thị Mỹ Dung (SN 1972, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên): 2 năm tù 

    14. Phạm Quốc Thắng (SN 1977, Giám đốc Công ty TNHH PNR): 2 năm tù 

    15. Trần Thị Ngân (SN 1984, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ana Travel): 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo 

    16. Trần Minh Phụng (SN 1970, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch và Xây dựng Gia Huy): 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo 

    Tội Che giấu tội phạm: 

    17. Nguyễn Xuân Thông (SN 1975, cựu cán bộ Công an): 12 tháng nhưng cho hưởng án treo.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/toan-canh-phien-toa-xet-xu-chuyen-bay-giai-cuu-giai-oan-2-a494189.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan