(ĐSPL) - Sau khi tòa tuyên hoãn, tra hồ sơ, Đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Nam đã có ý kiến phản đối.
Theo báo Tiền Phong, Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Quảng Nam vừa trả hồ sơ vụ án lập chứng từ khống để chiếm đoạt và làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng tiền đền bù dự án thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang, Quảng Nam) để điều tra bổ sung.
Các bị cáo gồm: Nguyễn Đức Tuấn (49 tuổi), Trương Hoành (46 tuổi), Phan Tấn Thịnh (45 tuổi), Hứa Tấn Sỹ (37 tuổi), Phan Tấn Nghĩa (51 tuổi, cùng là cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên - môi trường (TN-MT), thuộc Sở TN-MT; Zơrâm Pết (38 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Chơ Chun, huyện Nam Giang), Nguyễn Văn Hợp (36 tuổi, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Nam Giang), Nguyễn Văn Dũng (39 tuổi, cán bộ Ban quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2) và Huỳnh Văn Hải (51 tuổi, trú tại huyện Đại Lộc, hành nghề kinh doanh).
Trong quá trình xét hỏi tại tòa, TAND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc xác định nguồn gốc đất đai các hộ dân nhận tiền đền bù từ dự án cần được làm rõ. Cáo trạng luận tội của VKSND tỉnh Quảng Nam đối với các bị cáo chưa phù hợp. Riêng đối tượng Huỳnh Giao, tham gia vụ án đã bị khởi tố bị can, khởi tố vụ án, đã bỏ trốn và đang bị truy nã nhưng cáo trạng không đề cập đến. Do đó cần trả hồ sơ về cho Viện KSND tỉnh Quảng Nam để điều tra bổ sung.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử - Ảnh: Báo Quảng Nam |
Theo báo Thanh niên, ngay khi nghe HĐXX quyết định trả hồ sơ, ông Bùi Thanh Bình (đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Nam) đã phản ứng về việc này và xin có ý kiến nhưng HĐXX không đồng ý.
Theo ông Bình việc trả hồ sơ sẽ không đảm bảo tính khách quan. Đang trong quá trình xét hỏi, tòa lại dừng đột ngột không rõ lý do là vô lý. Ông cho biết sẽ kiến nghị lên Viện KSND tối cao về việc này.
Theo cáo trạng, Huỳnh Văn Hải (51 tuổi, trú tại huyện Đại Lộc, kinh doanh) cùng em trai là Huỳnh Giao biết rõ khu vực 2 bên sông Bung (thuộc huyện Nam Giang) là đất rừng tự nhiên không có người canh tác. Từ tháng 3/2010 đến tháng 10/2012, nhóm cán bộ thuộc Trung tâm Kỹ thuật TN-MT nói trên đến đo đạc, cắm mốc ranh giới bị ngập để giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ dự án thủy điện Sông Bung 2. Lúc này, Giao và Hải đã hứa hẹn đưa tiền, yêu cầu và chỉ dẫn nhóm cán bộ thực hiện đo đạc giải thửa không đúng quy định để 52 hộ dân được nhận tiền đền bù hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với tổng số tiền hơn 11,7 tỷ đồng.
Sau khi đo đạc, giải thửa cho 52 hộ dân, nhóm cán bộ này đã nhận 120 triệu đồng của anh em Hải. Trong khi đó, Hải, Giao và Pết thu hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người dân 2 xã La Êê và Chơ Chun để lập hồ sơ nhận tiền đền bù. Khi họ ký nhận tiền thì nhóm này yêu cầu người dân đưa tiền lại để chiếm đoạt. Cụ thể, anh em Hải đã chiếm đoạt hơn 5,6 tỷ đồng (đã trả lại hơn 3,2 tỷ đồng), Pết chiếm đoạt 500 triệu đồng đã hoàn trả xong.
Cũng theo cáo trạng, Hợp và Dũng được phân công kiểm kê biên bản xác định khối lượng tài sản có trên đất để áp giá đền bù bồi thường nhưng quá trình kiểm kê đã không thực hiện đúng quy định và lập 52 biên bản kê khống số lượng cây cối hoa màu có trên đất. Qua đó xác định khống đất thu hồi là đất sản xuất gây thiệt hại cho chủ dự án số tiền tổng cộng hơn 8,1 tỷ đồng.
Nghĩa là Đội trưởng đội sản xuất số 2 (thuộc Trung tâm Kỹ thuật TN-MT) đã không quản lý chặt chẽ nhân viên để họ nhận hối lộ, không kiểm tra thực tế dẫn đến việc lập hồ sơ giải thửa cho 52 hộ dân không đúng gây thiệt hại cho dự án hơn 10 tỉ đồng.
Với những sai phạm đã nêu, Viện KSND tỉnh đã truy tố Hải về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “đưa hối lộ”; Pết phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Tuấn, Hoành, Thịnh và Sỹ đồng phạm tội về “nhận hối lộ”; Hợp và Dũng phạm tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Nghĩa phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
BTV(Tổng hợp)
[mecloud]PpTmeYxLSh[/mecloud]