Tòa án tối cao Mỹ bác kiến nghị của chính quyền Tổng thống Trump về việc áp dụng sắc lệnh hạn chế nhập cảnh với một số nhóm đối tượng thân thích của công dân Mỹ.
Theo tin tức trên báo VietnamPlus, ngày 19/7, Tòa án tối cao Mỹ đã bác kiến nghị của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc áp dụng sắc lệnh hạn chế nhập cảnh với một số nhóm quan hệ thân thích của công dân Mỹ.
Báo Thanh Niên đưa tin, theo tờ Chicago Tribune, phán quyết mới nhất của tòa án Tối cao Mỹ có 2 phần, trong đó phần thứ nhất là giữ nguyên quyết định của tòa cấp dưới: cho phép bảo lãnh những đối tượng người thân như ông bà, cô dì, chú bác, cháu ruột, anh chị em họ... từ 6 nước bị cấm (gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) đến Mỹ.
Phần thứ hai, Tòa án tối cao cũng bác phán quyết của Tòa án liên bang Hawaii về việc áp dụng cách diễn giải rộng hơn đối với nhóm đối tượng miễn trừ của sắc lệnh đình chỉ người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày.
Phán quyết mới của Tòa án tối cao Mỹ được xem bất lợi đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Thanh Niên |
Trước đó, hồi tháng 6, Tòa án tối cao ra phán quyết về vụ kiện sắc lệnh di trú này rằng chỉ những người "có mối liên hệ có thật" với một cá nhân hoặc tổ chức tại Mỹ thì mới được nhập cảnh.
Giới chuyên gia chỉ trích quyết định về sắc lệnh đình chỉ người tị nạn của Tòa án tối cao "đe dọa tới sự an toàn của hàng nghìn người tị nạn trên thế giới đang tìm đường thoát khỏi chiến tranh và bạo lực."
Chính quyền Tổng thống Trump sau đó diễn giải rằng "mối quan hệ có thật" chỉ bao gồm những người như cha mẹ, con cái hoặc vợ chồng. Bang Haiwaii ngay lập tức khiếu nại lên tòa rằng cách diễn giải này quá "chặt" và thẩm phán liên bang Derrick Watson tại bang Hawaii đã đồng ý nới lỏng thêm một số đối tượng. Chính quyền sau đó kiện lên Tòa án tối cao, dẫn đến phán quyết ngày 19/7.
Đây là diễn biến mới nhất xung quanh nỗ lực ngừng tiếp nhận người tị nạn và cấm nhập cảnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump với người dân từ các nước đa số là Hồi giáo.
Tuy nhiên, Tóa án tối cao Mỹ cũng cho hay, phán quyết chỉ là tạm thời trong khi Tòa phúc thẩm khu vực số 9 tại San Francisco xem xét một kháng cáo riêng rẽ khác liên quan tới vấn đề này.
Trong một tuyên bố đưa ra sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ hoan nghênh cơ hội được "trình bày các lập luận của mình" tại Tòa phúc thẩm số 9. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp bang Hawaii Douglas Chin, người từng phản đối sắc lệnh nhập cảnh trên, cũng cho biết văn phòng của ông đang chuẩn bị cho phiên tòa này.
Bên cạnh đó, Tòa án tối cao Mỹ cũng cho biết sẽ mở một phiên tranh luận vào ngày 10/10 tới về lệnh đình chỉ này.
Căng thẳng mới nhất trong cuộc chiến tư pháp xung quanh sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Trump nổ ra sau khi Tòa án Tối cao hồi tháng trước ra phán quyết cho phép triển khai một phần sắc lệnh gây tranh cãi này vốn trước đó bị chặn tại các tòa án cấp thấp hơn, tuy nhiên ngoại trừ những đối tượng có quan hệ thân thích với công dân Mỹ.
Phía chính phủ sau đó diễn giải mối quan hệ này chỉ bao gồm các thành viên trong "gia đình hạt nhân" như cha/mẹ, chồng/vợ, anh/chị/em ruột, con đẻ, con dâu/con rể.
Các mối quan hệ như ông/bà, cháu, cô/dì, chú/bác, anh/chị/em không được coi là mối quan hệ thân thích và do đó vẫn nằm trong diện bị cấm nhập cảnh.
Bang Hawaii cho rằng định nghĩa của chính phủ là quá hẹp. Ngày 13/7, thẩm phán liên bang Derrick Watson ở bang này đã ra phán quyết bác việc áp dụng sắc lệnh trên. Chính phủ sau đó đã yêu cầu Tòa án Tối cao can thiệp.
Sắc lệnh hạn chế nhập cảnh được Tổng thống Trump ký hôm 6/3 cấm công dân 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày và đình chỉ việc cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày.
Giới chức tư pháp các bang của Mỹ cho rằng văn kiện này là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo.
Nhiều tòa án tại Mỹ đã liên tiếp ra phán quyết ngăn chặn việc triển khai sắc lệnh trên, gây ra một "cuộc chiến tư pháp" trên diện rộng và kéo dài tại Mỹ.
(Tổng hợp)