Pakistan trở thành quốc gia mới nhất ra lệnh cấm các hoạt động công khai về Ngày Valentine vì nó không phải văn hóa Hồi giáo.
Tri Thức Trực Tuyến dẫn tin Times of India cho biết, tòa án cũng yêu cầu truyền thông không đưa tin hay tuyên truyền về các sự kiện liên quan đến ngày lễ Tình nhân. Phán quyết được thẩm phán Shaukat Aziz đưa ra ngày 13/2 và có hiệu lực ngay lập tức trên toàn quốc.
Trong một thập kỷ qua, ngày Valentine đã trở nên phổ biến ở nhiều thành phố của Pakistan. Tuy nhiên, nhiều nhóm tôn giáo vẫn lên án ngày lễ là biểu hiện của sự suy đồi.
Những người biểu tình phản đối ngày Valentine tại thành phố Karachi, Pakistan hôm 12/2. - Ảnh: Getty. |
Phán quyết nói trên là câu trả lời của tòa án đối với một đơn kiến nghị cá nhân cho rằng ngày Valentine đi ngược lại giáo lý Hồi giáo. Theo báo Dawn, đơn kiến nghị lập luận ngày lễ cổ súy những hành vi phi đạo đức, trái phép tắc cũng như sự khỏa thân khi dưới vỏ bọc tình yêu.
Lệnh cấm không ảnh hưởng đến các cửa hiệu, nhà hàng.
BBC cho biết một năm trước, Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain từng lên tiếng ngày Valentine là một truyền thống của phương Tây, không phải văn hóa Pakistan và vì thế cần tránh.
Nhiều địa phương đã tiến hành các biện pháp cấm đoán riêng. Chính quyền ở Kohat, đông bắc Pakistan, đã cấm việc bán thiệp và các món đồ dành cho ngày Tình nhân vào năm ngoài. Trong khi đó, cơ quan chức năng ở Peshawar đã cấm các hoạt động vui chơi trong ngày này.
Tuy nhiên sau đó, giới chức ở cả hai địa phương trên đều cho biết lệnh cấm bị phớt lờ hoặc bị gỡ bỏ vì không "được lòng" người dân.
Năm 2015, cơ quan Hồi giáo hàng đầu Pakistan đe dọa sẽ đặt ra điều luật cấm bán bao cao su vì có báo cáo về việc mặt hàng này được bán kèm sôcôla để kỷ niệm Ngày Valentine, theo Vnexpress.
Tại Indonesia, một số thành phố lớn tổ chức kỷ niệm Ngày Valentine, song nhiều sinh viên biểu tình phản đối vì cho rằng nó cổ vũ cho việc quan hệ tình dục tùy tiện.
Cảnh sát tôn giáo Saudi Arabia hồi năm 2008 cấm bán các mặt hàng Ngày Valentine, kêu gọi các cửa hàng bỏ hết các hàng hóa màu đỏ, khiến hoa hồng phải bán ở chợ đen.
(Tổng hợp)