Lạ lùng tòa “vẽ” hồ sơ vụ án để xét xử
Tại kỳ họp thứ 7 năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 2 lãnh đạo và 1 thẩm phán TAND huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.
Cụ thể, ông Phạm Văn Phiếm, Chánh án TAND huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), nguyên Bí thư chi bộ, Chánh án TAND huyện Đắk Song và bà Nguyễn Thị Hải Âu, Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), nguyên Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Triệu, Thẩm phán TAND huyện Tuy Đức, nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song cũng bị thi hành kỷ luật bằng hình thức tương tự.
Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông, trong năm 2016, để hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, 3 cán bộ nói trên lập gần 60 vụ án "ảo" mà không có đương sự, không có tranh chấp thực tế để... tự xét xử.
Sau đó, các vụ án được phân công thẩm phán thụ lý. Cả ba cá nhân trên đã trực tiếp tham gia giải quyết một số vụ án, vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Được biết, thời điểm đó, một nhân viên của TAND huyện Đắk Song (hiện đã nghỉ việc) tự bỏ tiền túi để đóng án phí nhằm tạo lập hồ sơ vụ án "ảo". Các vụ án sau đó đều có chung một kết quả là bị đình chỉ do có một đương sự rút đơn kiện.
Theo giải trình của lãnh đạo TAND huyện Đắk Song với cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông, 57 bộ hồ sơ khống này đều do nữ thẩm phán Bùi Thị Dung tạo lập nhằm mục đích để được tái bổ nhiệm ở nhiệm kỳ tiếp theo. Thế nhưng, ngay cả Chánh án, Phó chánh án và các thẩm phán khác của tòa này lại “đóng vai diễn” xét xử tới 37 hồ sơ khống.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, năm 2016, TAND huyện Đắk Song (Đắk Nông) thụ lý, giải quyết 57 vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản do 3 người đứng tên, gồm: ông N.T.V (trú tại xã Trường Xuân), ông L.H.K (trú tại xã Nam Bình) và ông N.V.H (trú tại xã Nâm N’jang).
Tất cả hồ sơ trên đều do bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Thẩm tra viên, trực phòng tiếp dân tiếp nhận, đưa vào sổ, nhưng không ghi chép thời gian nhận đơn.
Các đơn khởi kiện được chuyển đến ông Nguyễn Xuân Triệu – lúc đó là thẩm phán xem xét, xử lý. Ông Triệu đã ký, ban hành giấy báo nộp tiền tạm ứng án phí. Còn ông Phạm Văn Phiếm ra các thông báo về việc thụ lý giải quyết đơn thư của 3 người nêu trên.
Đáng chú ý, toàn bộ 57 đơn khởi kiện và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí đều do bà Bùi Thị Dung, nguyên Thẩm phán sơ cấp TAND huyện Đắk Song (đã nghỉ việc từ 1/4/2017) chuyển trực tiếp cho bà Huệ.
Sau khi hồ sơ được tạo lập, từ tháng 5 đến tháng 7/2016, bà Nguyễn Thị Hải Âu, Phó Chánh án, thay mặt Chánh án TAND huyện Đắk Song ký các quyết định phân công các thẩm phán Bùi Thị Dung xét xử 20 vụ; bà Âu xét xử 12 vụ; thẩm phán Nguyễn Xuân Triệu xét xử 9 vụ; ông Phạm Văn Phiếm, Chánh án và thẩm phán Phan Xuân Hoàng mỗi người xét xử 8 vụ.
Quá trình kiểm sát, VKSND huyện Đắk Song nhận thấy một số cán bộ TAND huyện này có dấu hiệu vi phạm về việc thụ lý, giải quyết án dân sự nên đã xác minh và có báo cáo gửi VKSND tỉnh.
Kết quả xác minh thể hiện, những hồ sơ được TAND huyện Đắk Song thụ lý giải quyết, các nguyên đơn và bị đơn đều không có thực ở nơi cư trú, hoặc có người tìm được đúng địa chỉ như trong đơn nhưng lại phủ nhận việc kiện cáo này.
Thế nhưng, sau đó đoàn liên ngành gồm VKSND và TAND tỉnh vào cuộc lại kết luận dù vụ việc vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, song do cấp dưới vi phạm lần đầu, không gây thiệt hại, thành khẩn, nhận khuyết điểm và tích cực khắc phục vi phạm nên không xử lý kỷ luật ai, chỉ yêu cầu các cá nhân liên quan kiểm điểm... rút kinh nghiệm.
Trong khi đó, giải trình của TAND huyện Đắk Song cho rằng nguyên nhân sai phạm xuất phát từ việc bà Bùi Thị Dung do chuẩn bị tái bổ nhiệm thẩm phán nhưng có tỉ lệ án hủy vượt mức quy định 1,16% nên đã tự nộp đơn khởi kiện không có tranh chấp thực tế, tự bỏ tiền nộp tạm ứng án phí, sau đó rút đơn khởi kiện nhằm nâng cao số lượng án giải quyết.
Phát hiện sai phạm này, ngày 31/7/2020, TAND Tối cao đã yêu cầu Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông xem xét, điều chuyển vị trí công tác những công chức, thẩm phán vi phạm liên quan việc tạo lập 57 hồ sơ khống.
Trên cơ sở đó, ngày 24/9/2020, TAND tỉnh Đắk Nông mới ban hành kết luận sai phạm, điều chuyển ông Phiếm từ Chánh án TAND TP. Gia Nghĩa về làm Chánh án TAND huyện Tuy Đức. Các cán bộ khác cũng bị điều chuyển vị trí công tác.
Không thể “giơ cao đánh khẽ”
Là người có uy tín, từng có nhiều năm công tác trong cơ quan pháp luật, ông Lương Quang Tuấn, nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao khẳng định: Việc lãnh đạo và thẩm phán tòa Đắk Song tạo lập vụ án dân sự “ảo” để xét xử là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật, vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần phải xác minh, làm rõ ý chí chủ quan của nguyên lãnh đạo và thẩm phán tòa Đắk Song, lý do tạo lập hồ sơ “ảo” để xét xử; làm rõ trách nhiệm của những cơ quan liên quan.
Cụ thể, mỗi một vụ án kéo theo đó là rất nhiều các giai đoạn, thủ tục tố tụng khác nhau; nhất là trong giai đoạn đưa vụ án ra xét xử cần thiết phải có sự giám sát của cơ quan công tố.
Theo quy định của pháp luật thì tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động xét xử của tòa án có sự giám sát của VKS cùng cấp. Trường hợp toà án thụ lý vụ án, ban hành các quyết định đình chỉ vụ án hoặc xét xử vụ án thì đều phải thông báo cho viện kiểm sát để xem xét thực hiện việc kiểm sát xét xử, thực hiện chức năng giám sát. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét làm rõ các hồ sơ vụ án này có báo cáo viện kiểm sát hay không và trách nhiệm của VKS cùng cấp, kiểm sát viên được thực hiện như thế nào. Nếu có sai phạm thì cũng phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Có dấu hiệu tội phạm
Dưới góc pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng tỏ ra hết sức bất ngờ trước vụ việc này. “Có thể nói rằng, đây là sự việc khá bất ngờ đối với nhiều người, bởi trong khi rất nhiều tòa án làm không hết việc, thì lại có tòa án “bịa việc” ra làm, để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch hoặc vì động cơ cá nhân khác của cán bộ tòa án?!”.
Có lẽ xuất phát từ chỉ tiêu thụ lý, xét xử của thẩm phán trong mỗi năm công tác. Từ chỉ tiêu đầu vụ mà thẩm phán giải quyết hàng năm sẽ liên quan đến công tác cán bộ, chế độ đãi ngộ cũng như chế độ tiêu chuẩn định mức về tài chính đối với tòa án địa phương. Hoặc cũng có thể đây là động cơ cá nhân của một số cán bộ, cá nhân của cơ quan này nhằm hưởng lợi, trục lợi từ nguồn ngân sách nhà nước. Vấn đề này cơ quan chức năng phải làm rõ, dù là sai phạm như thế nào thì cũng phải xem xét những chế tài mà pháp luật đã quy định để xử lý công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng: Với sai phạm nghiêm trọng như vậy thì việc xử lý kỷ luật đảng ở mức khiển trách có vẻ là chưa thỏa đáng hoặc đây chỉ là bước đầu của quá trình xử lý sai phạm chứ chưa phải là kết quả cuối cùng. Về nguyên tắc là khi cán bộ, công chức vi phạm pháp luật thì ngoài việc xử lý kỷ luật đảng, thì sẽ xử lý kỷ luật về mặt chính quyền. Ngoài ra, sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
“Vụ việc sai phạm là rất nghiêm trọng, vụ việc này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự chứ không đơn giản chỉ là vi phạm kỷ luật cán bộ để nhận hình thức kỷ luật khiển trách là xong”, luật sư nhận định.
Vị luật sư phân tích: Để thụ lý gần 60 vụ án “giả mạo” như thế này thì tòa án này phải ban hành các quyết định về việc thụ lý, quyết định phân công thẩm phán thụ lý giải quyết, quyết định đình chỉ... phải thực hiện việc nộp tạm ứng án phí, phải có đơn thư, chữ ký, chữ viết của đương sự. Chưa kể, để có một hồ sơ vụ án thì sẽ bao gồm rất nhiều tài liệu, chứng cứ trong đó có các giấy tờ của các cơ quan, tổ chức... và các đơn thư văn bản tài liệu của các đương sự trong vụ án. Những vụ án được cơ quan chức năng xác định là không có thật nên các giấy tờ làm căn cứ để thụ lý, giải quyết và đình chỉ sẽ được xác định là các giấy tờ, tài liệu giả.
Hành vi này sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, là nguồn gốc để phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật khác, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Bởi vậy, hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu của tội Giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo luật sư Cường, trường hợp làm giả các giấy tờ tài liệu để được hưởng lợi như nhận tiền công, tiền lương, tiền phụ cấp hoặc các chế độ đãi ngộ khác của nhà nước, nguồn tiền từ ngân sách nhà nước do cơ quan đơn vị này quản lý thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để ban hành các quyết định, bản án, lập các hồ sơ trái pháp luật cũng là hành vi vi phạm về chức vụ gây thiệt hại cho nhà nước từ 10.000.000 đồng trở lên thì có thể xem xét xử lý hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ngoài ra, hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật, không theo đúng trình tự thủ tục luật định, không có căn cứ thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật...thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cần chuyển hồ sơ sang cục Điều tra VKSND Tối cao Luật sư Cường cho rằng, sự việc này là nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự của nhiều tội danh theo quy định của BLHS năm 2015 nên cơ quan chức năng cần chuyển hồ sơ vụ việc sang cục Điều tra của VKSND Tối cao để xem xét xử lý đối với sai phạm của một số cán bộ, cá nhân có liên quan trong vụ việc nêu trên. |
Tư Viễn
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số Thứ Năm (93)