+Aa-
    Zalo

    Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt Thủ tướng Israel, Mỹ có phải thực thi không?

    (ĐS&PL) - Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel và thủ lĩnh Hamas Ibrahim Al-Masri.

    Ngày 21/11, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng quốc phòng Israel Yoav Gallant, và với thủ lĩnh Hamas Ibrahim Al-Masri, vì những cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột ở Gaza, theo hãng tin Reuters.

    Các thẩm phán ICC cho biết có căn cứ hợp lý để tin rằng ông Netanyahu và ông Gallant phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi, bao gồm giết người, đàn áp và bỏ đói như một vũ khí chiến tranh, trong một "cuộc tấn công có hệ thống và rộng rãi nhằm vào dân thường ở Gaza".

    Cũng theo các thẩm phán, có căn cứ hợp lý để tin rằng lệnh phong tỏa Gaza và tình trạng thiếu lương thực, nước, điện, nhiên liệu và vật tư y tế "đã tạo ra những điều kiện sống một cách có tính toán để gây ra sự hủy diệt đối với một bộ phận dân thường ở Gaza, dẫn đến cái chết của dân thường, bao gồm trẻ em, do suy dinh dưỡng và mất nước".

    Về lệnh bắt ông Al-Masri, các thẩm phán ICC liệt kê các cáo buộc nhằm vào ông này, bao gồm giết người hàng loạt trong các cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10/2023, cũng như hiếp dâm và bắt giữ con tin.

    Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ảnh: Reuters

    Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ảnh: Reuters

    Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz chỉ trích quyết định của ICC, cho rằng đây là quyết định "bài Do Thái".

    Ông cũng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ công dân Israel với quyết tâm và niềm tự hào, đứng vững trước bất kỳ ai cố gắng phá hoại quyền tự vệ của chúng tôi".

    "Bất cứ ai nghĩ rằng họ có thể ngăn cản chúng tôi đạt được tất cả các mục tiêu quân sự thông qua những quyết định có lợi cho Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ sẽ phải đối mặt với một nhà nước mạnh mẽ và kiên quyết, hành động bằng quyền lực trên mọi lĩnh vực quân sự, chính trị và pháp lý để chống lại mọi mối đe dọa", ông Katz nhấn mạnh.

    Ngoại trưởng Israel Gideon Saar kêu gọi thế giới phản bác quyết định của ICC. "Đây là những mệnh lệnh không chỉ nhằm vào cá nhân họ. Trên thực tế, đây là cuộc tấn công vào quyền tự vệ của Israel. Cuộc tấn công này nhằm vào quốc gia bị tấn công và đe dọa nhiều nhất trên thế giới", nhà ngoại giao Israel chỉ trích.

    Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir kêu gọi Israel sáp nhập Bờ Tây để đáp trả lệnh bắt giữ của ICC.

    Tại Israel, lệnh bắt giữ Thủ tướng và cựu Bộ trưởng Quốc phòng sẽ không có tác động ngay lập tức. Trong ngắn hạn, họ có thể sẽ tập hợp được sự ủng hộ từ công chúng Israel. Tuy nhiên, về lâu dài, mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc chống lại ông Netanyahu và ông Gallant có thể ngày càng nặng nề hơn theo thời gian.

    Lệnh bắt được đưa ra trong bối cảnh xung đột ở Dải Gaza tiếp tục leo thang. Ảnh: TTXVN

    Lệnh bắt được đưa ra trong bối cảnh xung đột ở Dải Gaza tiếp tục leo thang. Ảnh: TTXVN

    Theo các chuyên gia, lệnh bắt giữ này khiến ông Netanyahu và ông Gallant bị coi là tội phạm chiến tranh, lần đầu tiên nhằm vào các nhà lãnh đạo của một quốc gia đồng minh phương Tây.

    Tuyên bố của ICC đặt ra những thách thức lớn đối với cả 2 nhân vật này, vì 124 quốc gia thành viên của ICC hiện có nghĩa vụ bắt giữ và dẫn độ họ ra xét xử nếu họ đặt chân lên lãnh thổ của những quốc gia này.

    Danh sách các quốc gia bao gồm một số đồng minh thân cận nhất của Israel ở phương Tây, những nước đã cung cấp vũ khí và bảo vệ ngoại giao để Israel tiến hành các hành vi bạo lực chống lại người Palestine như Anh, Canada, Úc, Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Hà Lan và Na Uy.

    Các quốc gia châu Âu khác như Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Croatia, Séc, Phần Lan, Hungary, Bồ Đào Nha và Ba Lan cũng thuộc diện này.

    Một số quốc gia lớn khác ký Quy chế Rome bao gồm Hy Lạp, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Nigeria, Mexico, Kenya, Colombia và Brazil.

    Ngoại lệ đáng chú ý là Mỹ, quốc gia đã rút khỏi Quy chế Rome năm 2002 và không có nghĩa vụ pháp lý phải hành động chống lại ông Netanyahu và Gallant.

    Tuy nhiên, ICC nhấn mạnh rằng dù các quốc gia không phải thành viên không có nghĩa vụ pháp lý, họ vẫn được "khuyến khích" thực thi các lệnh bắt giữ, vì tòa án không có cơ chế thực thi trực tiếp.

    Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố Mỹ không đồng tình với quyết định của ICC. "Chúng tôi về bác bỏ quyết định của tòa về việc ban hành lệnh bắt giữ các quan chức cấp cao của Israel", bà Jean-Pierre nói. "Chúng tôi quan ngại việc công tố viên vội vàng xin lệnh bắt giữ và những sai sót đáng lo ngại trong quy trình dẫn đến quyết định này".

    Quyết định mới nhất của ICC được đưa ra trong bối cảnh xung đột ở Dải Gaza tiếp tục leo thang. Tính đến giữa tháng 11/2024, cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã cướp đi hơn 45.000 sinh mạng, trong đó có hơn 1.000 người Israel, 44.000 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/toa-an-hinh-su-quoc-te-phat-lenh-bat-thu-tuong-israel-my-co-phai-thuc-thi-khong-a483293.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan