+Aa-
    Zalo

    Tình yêu sau song sắt không cứu nổi “ông trùm” cùng thời Năm Cam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi bị Lâm “chín ngón” “đâm sau lưng”, Minh “Samasa” phải giam chân trong trại giam hơn chục năm.

    Sau khi bị Lâm “chín ngón” “đâm sau lưng”, Minh “Samasa” phải giam chân trong trại giam hơn chục năm.

    Thời gian ngồi tù cũng là lúc đại ca khét tiếng phát bệnh lao phổi nghiêm trọng. Đau đớn hơn, người tình bao năm gắn bó - Phụng “trắng” cũng bỏ rơi hắn. Điều an ủi duy nhất còn lại đối với “ông trùm” là tình yêu trong tù ngục với một nữ phạm nhân. Ra tù, “ngựa quen đường cũ” để khôi phục lại thanh thế nhưng kết cục, Minh vẫn không thoát nổi bàn tay tử thần và “nghiệp chướng” từ những việc làm tội lỗi.

    Bị người tình phản bội ngay sau khi xộ khám

    Thời gian đầu mới xộ khám, Minh “Samasa” vẫn nuôi hy vọng sẽ có ngày ra trại, tiếp tục hành trình thống trị “thế giới ngầm”. Biết “chí” đại ca, đám đàn em bên ngoài, dù rơi vào cảnh “rắn mất đầu”, vẫn thường xuyên đến thăm nom, âm thầm xin chỉ thị để “xây dựng lực lượng, chờ đợi thời cơ”. Nhưng càng về sau này, những khát vọng trong lòng Minh “Samasa” càng nguội dần đi theo tình hình sức khỏe tồi tệ. Cựu điều tra viên từng được phân công theo dõi Minh “Samasa” cho biết: “Thời gian ở tù, Minh bị phát bệnh lao phổi trầm trọng. Khi những cơn đau làm suy kiệt, Minh được cơ quan công an đặc cách cho phép đến bệnh viện chữa trị. Nhưng dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, sức khỏe của Minh vẫn không có dấu hiệu khả quan”.

    Tình yêu sau song sắt không cứu nổi “ông trùm” cùng thời Năm Cam

    Cựu điều tra viên từng theo dõi Minh “Samasa” kể về những thăng trầm của “ông trùm”.

    Trong lúc đại ca cận kề cái chết, đám đàn em nghĩa hiệp của Minh đã đứng ra nhận trách nhiệm đưa hắn sang Singapore điều trị. Tại đây, Minh bị cắt một lá phổi và phải rất may mắn mới giữ được tính mạng. Trở về nước với tấm thân tàn, “ông trùm” khét tiếng một thời cũng nhanh chóng bị lãng quên.

    Sau khi về nước, Minh “Samasa” quay trở lại trại giam tiếp tục thi hành án. Ban đầu, đám đàn em cũng qua lại thăm hỏi và bồi dưỡng thuốc thang. Nhưng chỉ được vài năm, nhận thấy Minh “Samasa” đã hết thời, những đàn em này cũng mất dạng, không nhòm ngó gì nữa. Biết rõ quy luật thịnh suy ở đời, Minh “Samasa” không quá bận lòng về chuyện này. Song thời gian ở tù, điều khiến “ông trùm” đau khổ nhất là Phụng “trắng” không một lần ghé lại thăm hỏi.

    Nằm một mình sau song sắt, Minh còn tưởng người tình lâu năm bị ốm hay gặp vận hạn nên không thể ghé thăm. Bởi vậy trong những lần hiếm hoi đám đàn em vào tiếp tế, “ông trùm” bèn lựa lời hỏi thăm tin tức. “Những gì đám đàn em báo lại đã khiến Minh bị sốc nặng. Thì ra sau khi “ông trùm” bị bắt, Phụng đã vô tư cặp kè với những người đàn ông khác.

    Đáng nói hơn, cũng trong thời gian này, Phụng trở thành con nghiện và sa chân vào một đường dây buôn bán ma túy để lấy tiền hút chích. Căn nhà Minh để lại, Phụng cũng bán để lấy tiền phục vụ nhân tình và những cuộc chơi trác táng”, cựu điều tra viên kể lại. Những thông tin về Phụng khiến vết thương trong lòng “ông trùm” thất thế bị cào xé sâu hơn. Nhớ đến những ngày hết lòng bao bọc cho Phụng, cho con riêng của Phụng, Minh càng cảm thấy hận. Hắn gào thét trong trại, đến nỗi những cơn ho bật ra máu. Nhưng vì mất tự do, Minh chẳng thể làm gì hơn.

    Đúng lúc bế tắc nhất, một “luồng gió mới” đã thổi vào cuộc sống của Minh, giúp “ông trùm” vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần. “Luồng gió” ấy là nữ phạm nhân tên Mai, thụ án cùng trại giam với Minh. Sau khi vào tù, Mai cũng bị chồng con chối bỏ. Những lần đi lao động, Minh bắt gặp ánh mắt đầy tình tứ của Mai, người đàn bà còn khá mặn mà.

    Với sự từng trải, lọc lõi, Minh không khó nhận ra thông điệp trong ánh mắt ấy và đáp lại bằng nụ cười… hiền khô. Từ đó, mỗi lần đi lao động, họ đều cố ý ngồi làm việc gần nhau để trò chuyện, tâm sự. Cả hai đều từng có bề dày “thành tích” bất hảo nên dễ dàng chia sẻ, đồng cảm với nhau. Dù biết Minh là một đại ca thất thế, lại mang trong mình bệnh nan y, Mai vẫn quyết thổ lộ tình yêu. Cặp đôi “trai tứ chiếng, gái giang hồ” thậm chí còn hẹn ước sau khi ra tù sẽ cùng chung tay xây hạnh phúc.

    Niềm vui đến với đôi uyên ương khi cả hai cùng được ra tù trong một dịp ân xá. Khác với Phụng, Mai không chấp nhận sống như “vợ hờ” mà đặt điều kiện buộc Minh phải làm thủ tục đăng ký kết hôn. Sau khi hoàn tất thủ tục, cặp đôi về sống với nhau mà không có tiệc tùng, cưới hỏi. Nhưng với người đàn bà này, Minh đã có những ngày hạnh phúc thực sự. Gác lại những ân oán giang hồ và nỗi đau bị Phụng “trắng” phản bội, Minh càng trân quý mái ấm giản dị của mình. Chỉ có một điều khiến Minh đau khổ, ấy là việc gã vẫn không sinh nổi một mụn con.

    Những ngày cuối đời đau đớn

    Sau khi ra tù, tinh thần Minh được thoải mái hơn nhưng sức khỏe thì vẫn xuống dốc không phanh. Căn nhà bị Phụng “trắng” bán mất, Minh cũng không còn hơi sức đi tìm tình cũ đòi lại. Về ở với Mai chỉ có hai bàn tay trắng, Minh đành phó mặc gánh nặng chi phí sinh hoạt, thuốc men cho vợ. Một thân một mình cáng đáng gia đình, Mai cố gắng lắm mới vay mượn đủ tiền thuê căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Hiền (phường 2, TP Vũng Tàu) cho hai vợ chồng che nắng, che mưa.

    Trong lúc khó khăn, túng quẫn, Minh nảy ra ý nghĩ quay lại nghề cho vay nặng lãi. Đêm nằm bàn với vợ, Minh bảo: Chỉ có nghề này mới nhanh kiếm ra tiền, mới giúp Mai đỡ vất vả. Nhưng nghĩ thì dễ mà làm mới khó. Minh tính nát óc cũng không biết xoay đâu ra tiền làm vốn “khởi nghiệp”. Bí nước, “ông trùm” đành muối mặt dựa vào “tiếng tăm” quá khứ để tìm đến các mối quan hệ cầu xin sự giúp đỡ.

    Cựu điều tra viên từng theo dõi Minh “Samasa” năm xưa kể lại: “Khi còn trong giang hồ, Minh đối xử với bạn bè, chiến hữu khá thoáng. Các khoản tiền biếu, tiền cho để Minh phục vụ làm ăn không biết bao nhiêu mà kể. Vì vậy đến khi Minh gặp hạn và đến đánh tiếng từng nơi, họ cũng không ngần ngại bỏ tiền hùn vốn giúp “ông trùm” thất thế. Đó gọi là ân nghĩa giang hồ với nhau. Tuy nhiên khi có lãi thì miếng bánh ngọt đó cũng bị chia năm xẻ bảy chứ không phải mình Minh hưởng!” .

    Cựu điều tra viên này cũng cho biết thêm, Minh quay trở lại nghề cũ nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng đám đàn em ngày xưa lui tới. Vì vậy khi cần người đòi nợ, Minh phải quy tập anh em ruột thịt “giúp một tay”. Địa bàn làm ăn của vợ chồng Minh vẫn là các bến bãi, chợ búa khi xưa từng bành trướng thế lực. Tuy “sức cùng lực kiệt” nhưng tâm trí Minh vẫn vô cùng tỉnh táo. Không tự đi lại được, Minh chủ yếu ngồi nhà điều hành công việc. Chỉ có những trường hợp khẩn cấp, không thể không ra mặt, hắn mới ngồi sau tay lái vợ đến tận nơi.

    Giống như Phụng, Mai dần trở thành cánh tay đắc lực cho Minh. Với thân hình to lớn và sự bặm trợn vốn có của dân anh chị, Mai khiến những con nợ phải khiếp sợ khi số tiền vay lãi khủng đang treo lơ lửng trên đầu. Dữ dằn là thế nhưng với chồng, Mai luôn cư xử rất nhẹ nhàng và ân cần, chăm sóc cho Minh từng chút một.

    Nói về vợ chồng Minh, vị cựu điều tra viên nhận xét: “Mang danh ‘ông trùm” nhưng từ trước đến nay, Minh chưa từng “phùng mang trợn mắt” hay quát nạt ai. Minh luôn cư xử ôn hòa, nhỏ nhẹ với người xung quanh. Trong cuộc sống vợ chồng cũng thế, họ không cãi vã nhau bao giờ, ai nhìn vào cũng tin rằng họ sống rất hạnh phúc”. Tuy nhiên sau hai năm trời chung sống, Minh và Mai vẫn không thể có được mụn con. Mặc cảm với vợ, Minh rơi vào trạng thái u uất. Vì thế, bệnh tình hắn ngày càng xấu đi, mọi thuốc men dường như đều trơ lỳ, mất tác dụng. “Ông trùm” một thời nằm thoi thóp trên giường chờ cái chết đang cận kề”.

    Như “nghiệp chướng” phải trả cho những việc làm tội lỗi, cuối cùng tính mạng Minh “samasa” cũng bị bệnh tật lấy đi. Đám tang của Minh không ồn ào, chỉ có những người thân ruột thịt tới viếng và mặc nhiên không thấy đám đàn em năm xưa. Thi thể của Minh được chôn cất tại nghĩa địa Long Hương (TP. Bà Rịa).

    Đau đớn thay, quan tài vừa kịp đặt xuống thì cuộc nội chiến giành tài sản giữa chị dâu và em chồng đã diễn ra. Nhưng “di sản” “ông trùm” để lại không còn gì ngoài những đồ đạc cũ mèm. Ngay chính ngôi nhà vợ chồng Minh sinh sống cũng chỉ là nhà đi mướn. Tiền bạc có được từ việc làm ăn phi pháp, Mai đã chi phần lớn vào việc chạy chữa bệnh tật cho chồng. Sau khi trả lại căn nhà cho chủ, như để khép lại kỷ niệm đau lòng với “ông trùm”, Mai đã bỏ đi biệt tích…

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-yeu-sau-song-sat-khong-cuu-noi-ong-trum-cung-thoi-nam-cam-a52638.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan