Nhiều ngày qua, chị Thu Thuỷ (Mễ Trì, Hà Nội) không hề có một giấc ngủ ngon khi bị sập bẫy lừa đảo vay tiền qua mạng. Khi trở thành nạn nhân, chị Thủy và gia đình liên tiếp bị những kẻ lừa đảo kia khủng bố bằng điện thoại.
Trên các hội nhóm, Đức cũng đã bị các nạn nhân cảnh cáo nhưng nhiều người vẫn bị lừa |
Bị đe dọa, xúc phạm
Những ngày cuối tháng Sáu, PV tạp chí ĐS&PL nhận được phản ánh từ chị Thu Thủy (SN 1991, ở Mễ Trì, Hà Nội). Chị Thuỷ cho biết mình đang vướng phải rắc rối từ một đối tượng lừa đảo quen qua Zalo. “Ngày 17/6, tôi có quen một người tên Đức với số điện thoại 08864491xx qua Zalo, người này nói làm ở công ty cho vay tiêu dùng online, nên nếu có nhu cầu thì có thể giao dịch”, chị Thủy cho hay.
Vì đang cần gấp một khoản vốn để kinh doanh khoảng 30 triệu đồng, nên chị Thủy không ngần ngại nhờ Đức làm thủ tục hồ sơ. “Đức nói chỉ cần gửi ảnh chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu kèm 5 số điện thoại của gia đình sẽ làm giúp từ A-Z hồ sơ vay. Tuy nhiên, tôi phải trả tổng phí vay và bảo hiểm gói vay là 5 triệu đồng”, chị Thủy kể tiếp.
Nghe lời dụ ngon ngọt như: Vay không cần thế chấp, vay nhanh giải ngân chỉ trong vòng 1 - 2h đồng hồ… chị Thủy đã tin và làm theo. Tuy nhiên, khi đã gửi hết thông tin cá nhân thì Đức bắt đầu yêu cầu gửi phí trước một nửa.
Chị Thuỷ chia sẻ: “Ban đầu khi thoả thuận, Đức nói là chỉ cần nộp 5 triệu đồng, tôi gửi trước 5 triệu, nhưng khi làm xong hồ sơ thì Đức nói phải nộp thêm 3 triệu đồng nữa. Nghe đến đây tôi biết mình đã bị sập bẫy, bị lừa nên xác định mình mất tiền. Thế nhưng, kẻ này đâu có tha cho tôi và người thân của tôi”.
Sau khi biết mình đã bị lừa qua dịch vụ vay tiền online, chị Thủy đã chặn Zalo nhưng Đức nhắn tin qua tin nhắn điện thoại chửi bới, dọa và yêu cầu phải trả thêm tiền. “Từ người chủ động vay nợ thì tôi lại trở thành con nợ của Đức”, chị Thủy tự trách mình.
Không dừng lại ở đó, những ngày sau Đức liên tục dùng hàng loạt số điện thoại lạ “khủng bố” người thân của chị Thuỷ. “Tôi vô cùng mệt mỏi vì bố mẹ chồng gọi không biết tôi vay gì mà bị đòi nợ thuê đe dọa, chưa kể người này còn dùng những lời lẽ thô tục lăng mạ, xúc phạm tôi. Nếu không trả tiền thêm cho hắn, hắn sẽ “chơi với tôi đến cùng”, lời hắn dọa khiến tôi sợ người nhà mình sẽ gặp nguy hiểm vì toàn bộ thông tin cá nhân đã bị lộ”, chị Thủy cho hay chỉ vì một phút tin người lạ mà chị mang họa vào thân.
“Khi chia sẻ sự việc, tôi không mong lấy lại được tiền. Nhưng, tôi mong mọi người không ai bị dính vào bẫy lừa như tôi”, chị Thủy bày tỏ.
Màn dụ kẻ lừa đảo lộ diện
“Em cần vay tiền à? Gặp anh là đúng rồi”, Đức nhanh chóng nhắn tin. Tiếp đó, Đức giới thiệu về 2 gói vay cơ bản: “Gói 1 cần: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, hợp đồng lao động, sao kê lương, không nợ xấu, nợ chú ý bên ngân hàng. Thẩm định gia đình, khoản vay tối đa 170 triệu đồng. Gói 2 cần: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bao trọn hồ sơ gồm nợ xấu, số điện thoại người thân, giải ngân trong vòng 1 - 2h, khoản vay tối đa 170 triệu đồng (phí trả trước 5% khoản vay), không được trả lại phí”.
Đức nôn nóng nên đã chủ động liên hệ qua điện thoại với PV, PV hỏi Đức cho vay cá nhân hay vay công ty thì người này khẳng định: “Công ty anh là công ty Tín Việt”.
PV ngỏ ý muốn đến trực tiếp văn phòng ở Hà Nội thì Đức nói: “Hồ sơ online và nhận tiền qua số tài khoản hết em nhé”. Khi PV vẫn băn khoăn thì Đức cho hay: “Em muốn gặp anh thì em vào Đà Lạt, công ty anh ở trong này, ngoài Hà Nội không có chi nhánh. Nhưng anh nghĩ làm việc tin nhau là chính, em cứ gửi hồ sơ yên tâm anh làm cho khác có tiền”.
Đòi gặp mặt đối mặt nhưng Đức năm lần bảy lượt từ chối và cho rằng không cần thiết: “Ở ngoài miền Bắc công ty anh chỉ có trụ sở ở Quảng Ninh, nhưng hồ sơ mang trực tiếp xuống đó phải là hồ sơ “sạch”, không nợ xấu thì bọn anh làm luôn, còn không thì chỉ làm qua online”.
Tiếp tục là những câu hỏi e ngại về việc không làm việc trực tiếp thì làm sao để biết và tin tưởng nhau, nhưng người này nói đã vay cho nhiều người. Khi PV yêu cầu Đức cung cấp số chứng minh nhân dân thì người này bắt đầu giở giọng côn đồ: “Này, em đi vay anh hay anh là người vay mà em đòi chứng minh nhân dân. Bỏ cái thói đó đi, em nghĩ người ta lừa em thì em hỏi vay làm gì? Còn khi em đã có thiện chí thì em cần gì để tin tưởng anh thì anh sẽ cung cấp nhưng trước mắt em gửi thông tin cá nhân sang”.
Liên tiếp sau đó, PV phải nhận về muôn vàn lời lẽ chửi bới thiếu văn hoá từ Đức. Tiếp tục dùng thêm một nick Zalo khác, thì Đức cũng tiếp cận “con mồi” tương tự nói rằng sẽ giải ngân nhanh chóng, người cần tiền không cần phải chờ đợi.
PV đã liên hệ nhờ cơ quan chức năng vào cuộc, thế nhưng vì số điện thoại không chính chủ, nên cũng chỉ định vị được nơi mà đối tượng lừa đảo kia ẩn náu hoạt động, rất khó để có thể tìm được tung tích trừ khi mặt đối mặt trực tiếp.
Lừa đảo qua mạng rất tinh vi Trao đổi với PV, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (bộ Công an) cho hay những chiêu thức lừa đảo, cho vay tiền online trên mạng xã hội hiện nay rất tinh vi lợi dụng vào tâm lý nhẹ dạ cả tin của những người dùng thiếu hiểu biết: “Đối với những người bị lừa mất tiền, có thể làm đơn trình báo đến cơ quan công an nơi mình đang cư trú để trình báo sự việc và đề nghị giúp đỡ. Tôi khuyến cáo người dân không nên thực hiện giao dịch tiền bạc qua hình thức online khi chưa biết đối phương là ai”. |
Có thể phạt tù chung thân “Theo bộ Luật Hình sự 2015, Điều 174 quy định rất rõ về mức độ, tính chất, hành vi và số tiền chiếm đoạt của đối tượng lừa đảo sẽ có khung hình phạt tương ứng. Theo đúng quy định chiếm đoạt từ 2 triệu đồng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhẹ nhất là mức án cải tạo không giam giữ 3 năm, nặng nhất là 10, 15, 20 năm cho đến tù chung thân nếu trong trường hợp nghiêm trọng, số tiền chiếm đoạt rất lớn”, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó phòng Tranh Tụng, công ty Luật TNHH TGS (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu. |
Thanh Lam
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 100