Trần Thị Lộc (47 tuổi, ngụ thôn Văn Hà, xã Đức Phong) thừa nhận do chăm sóc mẹ già bị bệnh bại liệt kéo dài nên chịu nhiều vất vả, mệt mỏi, áp lực nên giải thoát bằng cách sát hại mẹ.
Con gái lên kế hoạch “tiễn mẹ”
Người dân tại xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết tin Trần Thị Lộc (47 tuổi) bị công an huyện Mộ Đức bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi giết mẹ ruột là bà Võ Thị M. (68 tuổi).
Tại cơ quan điều tra, Lộc thừa nhận vì mệt mỏi, áp lực, chán ngán cảnh chăm sóc mẹ già bị liệt ở chân nên đã lên kế hoạch... giải thoát cho mẹ.
Lộc thuật lại, sáng 1/8, bực tức vì bị mẹ la mắng, Lộc xô ngã mẹ. Biết mẹ bị cao huyết áp nên Lộc đi mua nước tăng lực cho mẹ uống để bà tăng huyết áp mà chết. Tuy nhiên, sau khi uống nước thấy mẹ vẫn còn sống nên Lộc dùng tay và cây đánh mẹ dẫn đến tử vong.
Phía chính quyền xã cho biết hoàn cảnh gia đình bà M. rất khó khăn, bà sống cùng Lộc và đứa cháu ngoại 8 tuổi. Bản thân nghi can Lộc không được bình thường, không có chồng, thuộc diện được nhận trợ cấp của địa phương khi một mình phải nuôi mẹ già bệnh tật cùng đứa con trai nhỏ 8 tuổi.
Sau khi xảy ra vụ việc, con của Lộc được ông Thế (em ruột bà M., cậu của Lộc) nhận chăm sóc. Ông Thế cũng chính là người phát hiện sự việc vào sáng 1/8 rồi trình công an.
Một số người hàng xóm của gia đình bà M. cho biết, trong quá trình chung sống, Lộc thường xuyên có hành vi la mắng, đánh đập bà M.. Riêng bà M. bị tật ở chân, thường xuyên đau ốm và mất sức lao động. Cả nhà 3 miệng ăn đều phụ thuộc vào số tiền mà Lộc kiếm được từ việc buôn bán.
Chữ “Hiếu” đâu rồi?
Không chỉ người dân xã Đức Phong xót xa mà dư luận cả nước cũng bất bình trước vụ việc. Thành ngữ có câu: "Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày". Dẫu biết công sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ bao la, không thể kể xiết còn việc phụng dưỡng mẹ cha của con cái chỉ ngắn ngủi bằng tháng, năm. Vậy mà người con như Trần Thị Lộc lại có thể tàn nhẫn giết hại người đã sinh thành ra mình.
Bạn đọc Vân Đỗ bức xúc chia sẻ: "Lúc mình nhỏ, ai kiên nhẫn chăm mình đến lớn? Sao lúc cha mẹ già yếu mình không thể chăm sóc bố mẹ? Bản thân mình sau này cũng già đi mà, không sợ con cháu mình hành hạ và giết bỏ mình sao? Sao lại mất nhân tính đến vậy?".
Những ý kiến khác cùng quan điểm với chị Vân Đỗ, phê phán người con tội đồ Trần Thị Lộc: “Dù chăm sóc mẹ có cực khổ thế nào thì đó cũng là đền đáp ơn nghĩa mẹ đã mang nặng đẻ đau, nuôi nấng mình năm, bà Lộc à. Thử nghĩ nếu bà bị gì phải nằm 1 chỗ để con cháu bà chăm sóc thì sao? Độc ác quá!”.
“Lúc còn nhỏ, mẹ chăm con từng miếng ăn, từng giấc ngủ, con có đau ốm, vất vả cỡ nào mẹ cũng chịu được, đến lúc mẹ già, mẹ ốm, chăm mẹ không nỗi, con giết mẹ luôn... Chữ hiếu đâu rồi?”...
Tất cả đều lên án hành vi trái đạo đức của đối tượng Lộc và mong cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm để răn đe kẻ khác.
Kẻ sát nhân đối diện nhiều tình tiết định khung tăng nặng
Đánh giá vụ việc dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhận định: Người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung đều trọng tình cảm, luôn có sự gắn bó, yêu thương, quý trọng giữa các thế hệ. Các gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường giờ vẫn trở nên phổ biến, thể hiện được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những nét văn hóa như “trẻ cậy cha, già cậy con” giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Chính vì thế, việc bỏ mặc, ngược đãi không báo hiếu cha mẹ đã là điều bất hiếu, bị xã hội, người đời lên án. Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của giáo lý đạo Phật, bởi vậy trong các tội lỗi của con người thì bất hiếu là tội lớn nhất. Chỉ cần bỏ mặc, không chăm sóc, hoặc ngược đãi cha mẹ đã là bất hiếu, hành vi sát hại cha mẹ vì bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận được.
Việc Lộc sát hại mẹ đẻ của mình chỉ vì ngại chăm sóc là hành vi không thể dung thứ được. Vì vậy, hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, để giữ gìn truyền thống đạo đức và văn hóa của người Việt, bảo vệ quyền sống của con người. Cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Nếu những lời khai của nghi phạm phù hợp với những dấu vết trên cơ thể nạn nhân, phù hợp với các dấu vết để lại trên hiện trường và vật chứng vụ án, phù hợp với lời khai của người người làm chứng thì người con bất hiếu này sẽ bị xử lý về tội Giết người theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015 với các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Động cơ đê hèn, giết mẹ - người mà mình có nghĩa vụ phải chăm sóc, nuôi dưỡng...
Theo luật sư Cường, khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người, Lộc sẽ phải đối diện với khung hình phạt được quy định tại khoản 1, Điều 123 với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân, thậm chí là tử hình. Các tình tiết được áp dụng để định khung hình phạt được quy định tại điểm đ, và điểm q, khoản 1, Điều 123.
Tội ác khó dung
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng qua vụ án này, chúng ta nên nhìn nhận về quyền được chết của mỗi cá nhân. Thực tế hiện nay có nhiều người mắc bệnh nan y, hoặc phải sống thực vật, sinh hoạt cá nhân phải dựa vào người thân. Việc kéo dài sự sống khiến họ phải chịu đựng thêm nỗi đau cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội. Quyền được chết được coi là một lối thoát cho cả hai bên, người bị bệnh và người chăm bệnh.
Hiện nay có một số quốc gia trên thế giới như Thụy Sỹ, Đức, Na Uy, Phần Lan, Bỉ và một số bang ở Mỹ đã công nhận quyền được chết của công dân. Tại Việt Nam, vấn đề này cũng đã được đưa ra bàn luận khi soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên với trình độ phát triển nhanh chóng của khoa học kĩ thuật, nhiệm vụ cao cả của ngành y tế là người cứu người, không được phép đầu hàng với bệnh tật, cùng với quyền con người ngày càng được ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ, với truyền thống đạo đức văn hóa của người phương Đông thì nhiều nhà nghiên cứu pháp luật đã phản đối đề xuất này, vì vậy “quyền được chết” đã không được đưa vào dự thảo và không được Quốc hội thông qua.
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường cho hay: “Nếu có quy định quyền được chết, thì cũng phải chết một cách nhân đạo, không gây đau đớn, kinh hãi cho người khác, phải thực hiện theo một trình tự thủ tục luật định, không được lợi dụng quy định này để trả thù cá nhân hay vội vàng đầu hàng trước bệnh tật, không được xung đột với đạo đức xã hội.
Còn việc con cái dùng dao sát hại cha mẹ của mình chỉ vì ngại chăm sóc thì không có bất cứ quốc gia nào cho phép, dung thứ. Vì vậy không thể biện minh được cho động cơ, mục đích bất chấp đạo đức của người con này. Hành vi của đối tượng Lộc không những bị sự trừng phạt của pháp luật mà còn gây dư luận xấu, bị xã hội sẽ lên án”.
Việt Hương
Theo Người Đưa Tin