Báo VTC New đưa tin, hạn hán, nắng nóng... là những hình thái thời tiết cực đoan đang diễn ra ở nước ta dù chưa lập Hạ. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, tình trạng hạn hán ở Bắc Tây Nguyên còn diễn biến đến nửa đầu tháng 5/2024, sau đó khả năng giảm dần. Nam Tây Nguyên có thể chấm dứt hạn từ giữa tháng 5/2024.
Hạn hán tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh khu vực phía Bắc của Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ trong khoảng thời gian từ tháng 5-7/2024, sau đó giảm dần.
Cũng theo nhận định của cơ quan khí tượng, mùa hè năm 2024, nắng nóng ở Bắc Bộ, Trung Bộ có thể xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất. Nguy cơ cao xảy ra các trận dông, lốc, mưa đá.
Hhô hạn, thiếu nước diễn ra ở nhiều nơi
Nhiệt độ trung bình tháng 1,2,3/2024 trên cả nước đều cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1,5 độ C. Tính đến 24/4, nhiệt độ tại Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế phổ biến cao hơn 2-4 độ C, các khu vực khác cao hơn 1,5-2 độ C so với trung bình nhiều năm.
Từ 31/3-4/4, Bắc Bộ và Trung Bộ xảy ra nắng nóng tại Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hoá-Phú Yên; từ 13-17/4 xảy ra tại Tây Bắc Bắc Bộ, Trung Trung Bộ; từ 19-21/4 xảy ra ở Thanh Hóa-Phú Yên, trong đó Tây Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế nhiều ngày nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C.
Số ngày nắng nóng trung bình tại Tây Bắc, Bắc Trung Bộ vào tháng 3 phổ biến 2-4 ngày (cao hơn 1-2 ngày so với trung bình nhiều năm). Trong tháng 4/2024, Tây Bắc trung bình là 9 ngày (cao hơn 6 ngày so với trung bình nhiều năm).
Tại Tây Nguyên xuất hiện 3 đợt nắng nóng kéo dài từ 3-8/4, 13-17/4 và 21-22/4. Số ngày nắng nóng trung bình ở Tây Nguyên vào tháng 3 phổ biến 2-4 ngày (cao hơn trung bình từ 1-2 ngày). Trong tháng 4 xảy ra 11 ngày nắng nóng (cao hơn 7 ngày so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ).
Tại thượng lưu sông Đà (phía Trung Quốc), tổng lượng mưa 3 tháng đầu năm 2024 ở mức thiếu hụt 58-80% so với trung bình nhiều năm, thiếu hụt 20-60% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 1/2024, ngoại trừ khu vực Thanh Hóa-Quảng Bình và Bình Định lượng mưa cao hơn nhiều năm 20-50mm, các khu vực khác phổ biến ít mưa.
Tháng 2,3/2024, tổng lượng mưa trên cả nước phổ biến thiếu hụt 10-45mm. Nam Trung Bộ, Tây Nguyên ít mưa.
Tính đến 24/4/2024, Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên phổ biến ít mưa. Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tổng lượng mưa dao động 10-40mm, Đông Bắc phổ biến 50-130mm, tổng lượng mưa thấp hơn từ 40-100%, một số nơi tại Quảng Ninh xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Ngoài ra, tình hình khô hạn, thiếu nước tại Tây Nguyên đang diễn ra gay gắt, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước ảnh hưởng lớn đến cây trồng có kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu. Tại Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng, khoảng 2.992ha bị ảnh hưởng hạn hán (trong đó 1.885ha lúa, 1.103ha cây lâu năm, 4ha cây hàng năm, nguồn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp tại Ninh Thuận (huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam); Bình Thuận (huyện Hàm Thuận Nam); Kon Tum (huyện Sa Thầy, Ia H’ Drai, Đắk Hà, Đăk Tô, Kon Rãy, TP Kon Tum); Gia Lai (huyện Mang Yang, Chư Păh, Đắk Pơ, Đức Cơ); Đắk Lắk (huyện Krông Búk, Ea H’leo, Krông Năng, Lắk, Buôn Đôn, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ, Cư Kuin, Cư M’gar); Đắk Nông (huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk R’Lấp); Lâm Đồng (huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Di Linh).
Mực nước các sông ở Bắc Bộ biến đổi chậm và ở mức thấp, đặc biệt mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại, trên sông Thao tại Phú Thọ xuống mức thấp nhất lịch sử. Nguồn nước trên các sông, hồ chứa ở Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt 30-60%, thiếu hụt nhiều trên sông Thao và sông Lô từ 50-60%.
Dòng chảy thượng nguồn sông Đà về đến hồ Lai Châu từ tháng 1-4/2024 thấp hơn năm 2023 khoảng 5-15% (riêng tháng 1 thấp hơn 40%), thấp hơn trung bình 5 năm gần đây khoảng 27% (riêng tháng 1 và tháng 4 thấp hơn 50- 60%).
Mực nước trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên biến đổi chậm và ở mức thấp, một số sông mực nước xuống dưới hoặc tương đương với mực nước thấp nhất lịch sử như: sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 1,41m (lúc 5h ngày 15/4), ở mức thấp nhất lịch sử; sông Thu Bồn tại Giao Thủy -0,47m (lúc 1h ngày 15/4), dưới mức thấp nhất lịch sử 0,09m; sông Ayun tại Pơ Mơ Rê 669,65m (lúc 19h ngày 15/4), dưới mức thấp nhất lịch sử 0,27m; sông Đăkbla tại KonPlong 590,37m tương đương mức thấp nhất lịch sử năm 2020.
Dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40%, một số sông thiếu hụt trên 70% như sông Ba tại Củng Sơn, sông La Ngà tại Tà Pao.
Đợt nắng nóng mùa hè năm 2024 dự báo cao hơn nhiều năm
Báo Tài nguyên & Môi trường thông tin, theo cơ quan khí tượng nhận định, tháng 5/2024, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với TBNN khoảng 1 – 20C, có nơi cao hơn. Tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5 - 1,50C so với TBNN cùng thời kỳ. Từ tháng 7 - 9/2024, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với TBNN khoảng từ 0,5 - 10C.
Từ tháng 5 - 7/2024, nắng nóng tiếp tục xuất hiện tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Dự báo số đợt nắng nóng ở khu vực Tây Nguyên từ 3-4 đợt. Mùa mưa tại Tây Nguyên xuất hiện từ nửa đầu tháng 5/2024 và lượng mưa trong tháng sẽ ít hơn TBNN. Mưa tăng dần từ tháng 6 trở đi do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.
Ông Nguyễn Chí Dũng nhận định, lượng mưa tập trung vào nửa cuối mùa mưa bão năm 2024, khoảng từ tháng 9 đến tháng 12. Sau một thời gian dài hạn hán, mùa mưa lũ 2024 sẽ khắc hơn TBNN. Nguy cơ rất cao xảy ra trượt lở đất đá, lũ quét với khu vực trung du, miền núi cả ở phía Bắc và khu vực miền Trung, Tây Nguyên.