Chỉ là một nông dân chưa học hết lớp 12 nhưng lão nông Trần Trung Hiếu, thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn đã “chế” ra chiếc máy trợ thở từ những vật dụng trong gia đình. Đặc biệt, chiếc máy đã giúp con trai ông vượt qua cơn khốn khó của bệnh hiểm nghèo.
Từ khi có máy trợ thở “tự chế” việc hô hấp của anh Trần Trung Thiên Hoàng được dễ dàng hơn và không cần sức người. (Ảnh: Duy Quan). |
Xuất viện về nhà, cha cứu con
Những ngày cuối tháng Sáu, PV ĐS&PL tìm đến căn nhà của lão nông Trần Trung Hiếu, 57 tuổi, thôn Phú Thủy, tận mục sở thị chiếc máy trợ thở do ông sáng chế vào đầu năm 2020.
Lão nông Hiếu chia sẻ, con trai đầu của ông tên Trần Trung Thiên Hoàng (37 tuổi), năm 2015 xuất hiện chịu chứng teo đôi chân, mất sức lao động. Sau khi đưa đi khám bệnh ở nhiều nơi, các bác sĩ xác định anh Hoàng bị bệnh xơ cột bên teo cơ.
Thấy bệnh tình của anh Hoàng ngày càng trở nặng, gia đình lão nông Hiếu đã vay mượn tiền khắp nơi đưa anh vào TP.HCM chữa bệnh. Sau 4 lần đi điều trị tại các bệnh viện khác nhau, chi phí hết hơn 40 triệu đồng nhưng vẫn bị trả về vì không có thuốc điều trị căn bệnh hiểm nghèo trên.
Đến năm 2019, căn bệnh của anh Hoàng ngày càng xấu, xuất hiện tình trạng khó thở,… nên gia đình đưa anh vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận tiếp tục điều trị. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã mổ thông khí quản và đặt ống thở cho anh Hoàng thở bằng máy. Nằm bệnh viện hơn 4 tháng, anh Hoàng được xuất viện về nhà nhưng vẫn phải phụ thuộc vào máy trợ thở.
Do không có tiền mua máy thở, gia đình lão nông Hiếu cử 4 người thay phiên nhau túc trực bóp bóng trợ thở giúp anh Hoàng duy trì sự sống. Sau 20 ngày bóp bóng thở, nhận thấy những vất vả mà gia đình đang gặp phải và xuất phát từ tình thương con, ông Hiếu bắt đầu suy nghĩ đến việc “chế” một chiếc máy trợ thở tự động.
Không do dự, trước tết Nguyên Đán 2020, ông Hiếu nảy ra ý định sáng “chế” chiếc máy quạt cũ của gia đình thành chiếc máy trợ thở. Bước đầu làm thất bại đến 4 – 5 lần nhưng những thử thách đó cũng không quật ngã được ý chí kiên cường của lão nông già.
Đến lần thứ 6, chiếc máy trợ thở được “chế” tạo thành công và đưa vào hoạt động. Ban đầu, chiếc máy trợ thở được làm bằng chiếc máy quạt gia đình nên khi hoạt động được khoảng 3 tháng, chiếc máy trên không đủ công suất để trợ thở cho anh Hoàng. Ông Hiếu tiếp tục suy nghĩ, tận dụng những thiết bị gia đình, đồ cũ có sẵn để “chế” 1 chiếc máy trợ thở khác hoàn chỉnh hơn và hoạt động cho đến nay.
Ông Trần Trung Hiếu cho biết: “Chiếc máy trợ thở của tôi tận dụng những đồ gia đình và đồ cũ nên chỉ mất khoảng 1 triệu đồng. Chiếc máy hiện tại đã hoàn chỉnh, hoạt động tốt giúp con tôi thở hằng ngày. Khi chiếc máy hoạt động, thay thế cho 4 người ngồi bóp bóng trợ thở như trước đây. Hiện, gia đình chỉ phân công 1 người ở nhà túc trực khi cúp điện, máy gặp sự cố hay ống dẫn bị gấp để xử lý kịp thời”.
Chiếc máy trợ thở do lão nông Trần Trung Hiếu sáng chế. (Ảnh: Duy Quan). |
Khám phá cấu tạo cỗ máy được chế tạo từ tình cha
Chiếc máy trợ thở của lão nông Hiếu có cấu tạo khá đơn giản, gồm: 1 động cơ mơ tơ điện rời, 1 niềng xe đạp, 1 bộ hơi được làm bằng ống nhựa PVC đường kính 90 mm, dài 25 cm được bịt kín 2 đầu và một ống dẫn khí dài khoảng 2 mét được nối trực tiếp từ bộ hơi vào cơ thể bệnh nhân.
“Máy hoạt động khá đơn giản, khi cắm vào nguồn điện thì mô tơ hoạt động sẽ làm quay niềng xe đạp thông qua dây cao su được chế từ ruột xe gắn máy. Khi niềng xe đạp quay, tạo ra vòng quay giúp gánh tay đòn được gắn ở niềng xe đạp đẩy bộ hơi hoạt động, từ đó tạo ra khí như bóp bóng hơi trợ thở mà không cần sức người”, ông Hiếu giải thích.
Anh Trần Trung Thiên Hoàng (con trai ông Hiếu) xúc động nói: “Tôi rất cảm động trước tình cảm mà ba đã dành cho tôi. Từ khi có chiếc máy trợ thở tôi không còn cảm thấy ray rứt khi phải làm phiền đến nhiều người nữa. Tôi sẽ cố gắng sống lạc quan hơn để mọi người an tâm”.
Lão nông Hiếu cho hay: “Hiện chiếc máy trợ thở của tôi có công suất mô tơ khá lớn, máy hoạt động bơm hơi vào cơ thể bệnh nhân khá mạnh, nên tôi phải dùng niềng xe đạp để giảm lại tốc độ quay của mô tơ. Tôi cũng mong muốn tìm được nơi bán mô tơ có công suất khoảng 100w, quay 20 vòng/phút để mua lại về “chế” thành máy trợ thở nhỏ gọn hơn hiện tại”.
“Hiện, tôi làm được 4 máy trợ thở và đã tặng miễn phí cho 1 gia đình ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), cũng có người thân mắc bệnh hiểm nghèo như con trai tôi. Tôi là dân “hai lúa”, làm được cái gì có ích cho con trai vượt qua căn bệnh hiểm nghèo là sung sướng rồi”, lão nông Hiếu vui vẻ nói. |
Duy Quan
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số Chủ Nhật (Số 26)