Quân đội ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và Quân đội quốc gia Libya (LNA) do tướng Haftar làm tổng tư lệnh đang tiếp tục lao vào xung đột ác liệt.
Quân đội ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA). Ảnh: Daily Mail |
Quân đội của tướng Haftar vẫn tiếp tục ủng hộ một chính quyền khác ở miền đông Libya và từ chối công nhận chính quyền GNA, do thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11/4, người phát ngôn LNA Ahmad al-Mesmari tuyên bố "Các lực lượng của chúng tôi tiếp tục tiến công trên toàn mặt trận và đang hội quân về trung tâm thủ đô Tripoli”.
Ông Al-Mesmari cho biết thêm, LNA đã phát lệnh bắt giữ đối với thủ tướng Sarraj cùng nhiều quan chức GNA với loạt cáo buộc "phản quốc", "bảo trợ khủng bố" và "thông đồng với nước ngoài".
Trước đó, ngày 10/4, LNA đã bắt sống tiểu đoàn 42 của GNA. Trong số các tay súng của GNA bị LNA bắt giữ, người ta phát hiện ra có rất nhiều trẻ vị thành niên.
Chiến đấu cơ LNA còn tiếp tục ném bom 1 đường băng của sân bay Mitiga - cửa ngõ hàng không duy nhất còn hoạt động được ở Thủ đô Tripoli.
Ở một mũi tấn công khác, các đơn vị LNA đã phát động chiến dịch siết chặt vòng vây đối với thành phố Sirte đang nằm trong tay lực lượng GNA.
Giới quan sát cho rằng, với sức tấn công của LNA, chẳng bao lâu nữa lực lượng này sẽ tiến sát tới thủ đô Tripoli. Nếu như không có sự can thiệp từ bên ngoài, GNA sẽ phải nhận hậu quả nặng nề.
Giao tranh ác liệt diễn ra trong suốt nhiều ngày liên tiếp. Ảnh: Daily Mail |
Trong khi đó, phía GNA tuyên bố, lực lượng này đã chiếm lại được sân bay Tripoli và khu vực Swani từ tay LNA. Giới chức GNA khẳng định có hơn 190 binh sĩ LNA bị bắt, cáo buộc LNA dùng trẻ vị thành niên. Cụ thể có tổng cộng 116 chiến binh LNA bị bắt ở thị trấn Zawiya, nằm phía tây Tripoli, và 75 người khác bị bắt ở khu ngoại ô Ain Zara.
Theo Liên Hiệp Quốc đã có ít nhất 56 người thiệt mạng và 8.000 người phải rời khỏi nhà cửa ở Tripoli trong tuần qua.
Liên Hiệp Quốc trước đó đã lên lịch tổ chức một hội nghị kéo dài ba ngày vào ngày 14/4 ở thị trấn Ghadames ở phía tây nam nhằm thảo luận về khuôn khổ hiến pháp cho bầu cử như là biện pháp chấm dứt khủng hoảng chính trị kéo dài tám năm ở quốc gia Bắc Phi này.
Tuy nhiên, mới đây Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Libya Ghassan Salame đã thông báo hoãn hội nghị này.
"Chúng tôi không thể yêu cầu mọi người tham gia hội nghị trong tình trạng bom rơi đạn lạc", phái viên Liên Hiệp Quốc tại Libya Ghassan Salame nói và cho biết, sẽ tổ chức hội nghị này "sớm nhất có thể vào ngày mà các điều kiện để hội nghị thành công được đảm bảo".
Mộc Miên(Theo Daily Mail)