Tình hình dịch virus corona ngày 24/5: Việt Nam được xếp hạng là nước chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới; Gần 99.000 người chết vì Covid-19 ở Mỹ;...
Theo số liệu cấp nhất trên trang worldometers, tính đến 14h ngày 24/5 (giờ Hà Nội), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên 5.418.237, trong đó có 344.201 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, 2.254.334 bệnh nhân đã được chữa khỏi và hồi phục.
Việt Nam được xếp hạng là nước chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới
Một khẩu hiệu tuyền truyền chống Covid-19 ở Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Đại dịch Covid-19 đã lan rộng ra nhiều quốc gia ở những thời điểm khác nhau và mỗi nước có cách ứng phó khác nhau tùy thuộc vào hệ thống chính trị, y tế cũng như nền kinh tế. Mặc dù có một số điểm sáng, nhưng gần như tất cả các nước đều có bức tranh tổng quan phức tạp.
Báo Politico (Mỹ) nhận định Việt Nam là nước ứng phó tốt nhất với đại dịch Covid-19 dựa trên các tiêu chí đánh giá cùng với các quốc gia khác trên thế giới.
Bảng đánh giá của Politico dựa trên việc thống kê về tình trạng lây nhiễm, số ca tử vong, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp và các biện pháp chống dịch của chính phủ từng nước.
Trong số 30 quốc gia được xếp hạng, Politico đánh giá Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về chống dịch thành công.
“Việt Nam là nước đông dân nhưng không có ca tử vong nào, với khoảng 300 ca nhiễm được ghi nhận trong tổng số 95 triệu dân. Nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng 2,7% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước ứng phó thành công nhất với Covid-19 trên toàn cầu”, Politico nhận định.
Gần 99.000 người chết vì Covid-19 ở Mỹ
Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ đã gần lên tới 99.000. Ảnh: Getty |
Mỹ ghi nhận thêm hơn 1.000 ca tử vong vì virus SARS-coV-2, nâng số người chết tại nước này lên gần 99.000 trong tổng số gần 1,7 triệu ca nhiễm.
Tổng số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, là 1.666.244 và 98.661, tăng lần lượt 22.659 và 1.071 trường hợp.
New York, tâm dịch Covid-19 ở Mỹ, chỉ ghi nhận thêm 84 ca tử vong trong 24 giờ qua, lần đầu tiên dưới mức 100 ca và là mức thấp nhất kể từ ngày 24/3. Số ca nhập viện, nhiễm mới và dùng máy thở ở bang này cũng giảm.
"Đây là một tin vui. Những gì chúng tôi làm đang phát huy hiệu quả", Thống đốc New York Andrew Cuomo nói trong cuộc họp báo hàng ngày.
Nhiều khu vực của New York với số ca nhiễm ít hơn đã bắt đầu nới lỏng phong toả, trừ điểm nóng thành phố New York. Các bãi biển ở một số nơi mở cửa lại và người dân được yêu cầu tuân thủ giãn cách xã hội.
Gần 30 cuộc biểu tình tại Đức phản đối các biện pháp phong tỏa phòng Covid-19
Người Đức trong một cuộc biểu tình gần biên giới Đức - Balan hồi cuối tháng 4. Ảnh: Reuters |
Ngày 23/5, trên khắp nước Đức tiếp tục diễn ra hàng chục cuộc tuần hành, biểu tình nhằm phản đối các biện pháp phong tỏa do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Cảnh sát cho biết, trong ngày 23/5, gần 30 cuộc tuần hành đã diễn ra ở thủ đô Berlin và nhiều thành phố khác trên khắp nước Đức, trong đó có Nuremberg, Munich và Stuttgart.
Tại Hamburg, 750 người đã tham gia tuần hành. Cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng để giải tán một cuộc tuần hành có khoảng 120 người tham gia. Nhiều người biểu tình quá khích đã bị cảnh sát bắt giữ.
Các cuộc tuần hành đã được tổ chức hằng tuần ở các thành phố lớn của Đức kể từ đầu tháng 4 vừa qua và đã leo thang trong những tuần gần đây với sự tham gia của hàng nghìn người.
Mục đích của những người biểu tình là nhằm phản đối các biện pháp hạn chế của chính phủ, với lý do các biện pháp này xâm phạm quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, phát biểu ngày 23/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các biện pháp hạn chế do dịch Covid-19 là cần thiết.
Hoa Vũ (T/h)