Tình hình dịch virus corona ngày 19/5: Người gốc Á tại Mỹ có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp nhất; Chile cách ly gần nửa thượng viện vì Covid-19; ông Donald Trump gửi "tối hậu thư" cho WHO;...
Theo số liệu thống kê của trang worldometers, tính đến 14h ngày 19/5 (giờ Hà Nội), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên 4.894.582, trong đó có 320.192 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, 1.909.433 bệnh nhân đã được chữa khỏi và hồi phục.
Người gốc Á tại Mỹ có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp nhất
Người gốc Á có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp nhất tại Mỹ. Ảnh minh họa |
Theo SCMP, dữ liệu thống kê số ca bệnh và thiệt mạng vì Covid-19 cho thấy người gốc Á dường như là nhóm ít bị nhiễm và tử vong vì virus corona mới nhất nếu so với các nhóm sắc tộc khác đang sinh sống ở Mỹ. Tuy nhiên, điều trớ trêu hơn cả chính là việc nhiều người trong số họ lại là nạn nhân của phân biệt chủng tộc vì bị coi là nguồn bệnh.
Tại vùng dich lớn nhất Mỹ - thành phố New York, nhóm người gốc Á có số ca bệnh và tử vong thấp nhất. Cứ 100.000 người, có 122 châu Á thiệt mạng vì Covid-19, trong khi, tỉ lệ này với nhóm gốc Phi là 265, nhóm gốc Tây Ban Nha là 259 và nhóm da trắng là 130. Tương tự, dữ liệu ở Los Angeles cũng cho kết quả khá tương đồng, trừ tỉ lệ tử vong của nhóm gốc Á cao hơn nhóm da trắng.
Nghiên cứu của tổ chức Henry J. Kaiser Family phân tích các dữ liệu sơ bộ và chỉ ra rằng người gốc Á dường như có nguy cơ mắc bệnh nặng thấp nhất trong số các nhóm sắc tộc, kể cả nhóm da trắng.
Có nhiều yếu tố được các nhà nghiên cứu đưa ra, trong đó, có một nguyên nhân được cho là liên quan tới việc cộng đồng này nhìn chung có tính cảnh giác cao với dịch bệnh và thường xuyên cảnh báo lẫn nhau về nguy cơ dịch bệnh.
Mỹ hiện vẫn đang là vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với tổng cộng hơn 1,55 triệu ca nhiễm và gần 92.000 người tử vong.
Chile cách ly gần nửa thượng viện vì Covid-19
Quốc hội Chile. Ảnh: Teller Report |
Hơn một nửa số thành viên của Thượng viện Chile cùng 4 bộ trưởng phải tự cách ly sau khi tiếp xúc gần với các đồng nghiệp nhiễm Covid-19.
Chia sẻ trên mạng xã hội, Bộ trưởng Tài chính Ignacio Briones và Chánh văn phòng Chính phủ Felipe Ward đều xác nhận đã xét nghiệm âm tính với virus corona. Tuy nhiên, hai người phải tiếp tục cách ly để chờ tiến hành xét nghiệm lần hai.
Ông Briones cho biết mình được xét nghiệm lần một vào ngày 15/5. Ông có "giao tiếp thường xuyên" với Thượng nghị sĩ Jorge Pizarro, đã nhiễm virus SARS-Cov-2, thuộc Ủy ban Tài chính Thượng viện.
Bộ trưởng Briones nói mình bắt đầu "cách ly phòng ngừa" kể từ khi nhận thông báo ông Pizarro nhiễm bệnh.
Hai thành viên khác của nội các là bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng phát triển xã hội cũng đang cách ly, theo AFP.
Jorge Pizarro là một trong hai thượng nghị sĩ mắc Covid-19 của Chile. Đến cuối tuần qua, khoảng 20 thượng nghị sĩ khác phải cách ly vì nằm trong diện tiếp xúc gần. Cơ quan lập pháp Chile có 50 ghế nghị sĩ.
Ông Donald Trump gửi "tối hậu thư" cho WHO
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Hill |
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố thư gửi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, dọa cắt vĩnh viễn ngân sách nếu cơ quan này không "cải thiện đáng kể" trong 30 ngày tới.
"Chúng tôi không có thời gian để lãng phí", ông Donald Trump viết trong bức thư gửi Tổng giám đốc WHO Tedros vừa được ông công bố trên Twitter. "Đó là lý do tôi với tư cách là Tổng thống Mỹ, thông báo cho ông rằng nếu WHO không cam kết cải thiện đáng kể trong 30 ngày tới, tôi sẽ lập tức đóng băng ngân sách của Mỹ cho WHO và xem xét lại tư cách thành viên của chúng tôi trong tổ chức".
"Tôi không thể cho phép người đóng thuế Mỹ tiếp tục tài trợ cho một tổ chức rõ ràng không phục vụ lợi ích của nước Mỹ như hiện tại", ông Trump viết trong thư, đồng thời cho biết thêm chính quyền của ông đã liên lạc với WHO về những cải cách mong muốn, song ông không nói rõ những cải cách đó là gì.
Hoa Vũ (T/h)