Tình hình dịch virus corona ngày 16/5: Quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố hết Covid-19; Brazil thay Bộ trưởng y tế thứ 2 trong 1 tháng;...
Theo số liệu thống kê của trang worldometers, tính đến 14h ngày 16/5 (giờ Hà Nội), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên 4.629.407, trong đó có 308.676 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, 1.761.062 bệnh nhân đã được chữa khỏi và hồi phục.
Quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố hết Covid-19
Slovenia là quốc gia đầu tiên ở châu Âu tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn Covid-19. Ảnh: Getty |
Slovenia trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn Covid-19, khi tin rằng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đã giảm.
Chính phủ Slovenia ngày 15/5 khẳng định Covid-19 đã kết thúc ở nước này, sau khi Viện Y tế Công cộng Quốc gia kết luận "tất cả các dấu hiệu đều cho thấy tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng đã giảm".
Bộ Y tế Slovenia chỉ ghi nhận thêm 1 ca nhiễm Covid-19 và không báo cáo trường hợp tử vong nào trong ngày 14/5. Trong hai tuần qua, quốc gia này chỉ phát hiện 35 người nhiễm, trong khi hệ số lây nhiễm của virus SARS-CoV-2, hay còn gọi là R0, giảm xuống dưới 1. Hệ số dưới 1 được coi là an toàn và là chìa khóa để chính quyền quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Thủ tướng Janez Jansa ngày 15/5 nói trước quốc hội rằng quốc gia vùng Balkan này là "bức tranh dịch tễ học tốt nhất ở châu Âu".
"Đây là một thành công và chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực để có được điều đó", Jelko Kacin, phát ngôn viên chính phủ Slovenia nói trên truyền hình ngày 15/5.
Brazil thay Bộ trưởng y tế thứ 2 trong 1 tháng
Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich đã xin từ chức. Ảnh: AFP |
Theo Reuters, Brazil ngày 15/5 xác nhận có thêm 15.305 ca Covid-19 mới, mức tăng kỷ lục trong 1 ngày ở quốc gia Nam Mỹ. Tổng số người nhiễm bệnh ở Brazil hiện là 218.223, trong khi số ca tử vong là 14.817, tăng 824 so với một ngày trước đó.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo con số thực tế có thể cao gấp nhiều lần do năng lực xét nghiệm của Brazil còn hạn chế.
Ngày 15/5, Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich đã xin từ chức, chưa tròn 1 tháng sau khi ông được bỏ nhiệm vào “ghế nóng”.
Ông Teich không đưa ra lý do từ chức khi thông báo với giới truyền thông nhưng ông được xem đã không đồng quan điểm với ông Bolsonaro khi Tổng thống Brazil liên tục kêu gọi mở cửa trở lại ngăn kinh tế sụp đổ.
Ông Teich đã tỏ ra bất ngờ hồi đầu tuần này khi nghe tin ông Bolsonaro đã ra quyết định cho phép mở cửa phòng tập gym và cửa tiệm làm đẹp trở lại.
Mỹ có kế hoạch nối lại tài trợ một phần cho WHO
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một lần phát biểu trước truyền thông tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters |
Fox News trích dẫn một bức thư cho biết chính quyền của Tổng thống Trump sẽ "đồng ý chi tương đương với mức Trung Quốc đóng góp theo đánh giá" cho WHO. Nếu Mỹ chi trả tương đương với mức đóng góp của Trung Quốc như Fox News đưa tin, mức tài trợ mới sẽ vào khoảng 1/10 tài trợ trước đó của Mỹ, khoảng 400 triệu USD một năm.
Trước đó, ngày 14/4, Tổng thống Trump đã chỉ thị cho chính phủ tạm ngừng tài trợ cho WHO do sự bất hợp lý trong cách thức giải quyết đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của tổ chức này. Ông Trump cho rằng WHO đã "thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm".
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng chấm dứt tài trợ trong khi WHO đang dẫn đầu cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch Covid-19 là một việc làm vô nghĩa. Bà khẳng định Mỹ chỉ có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi phối hợp với các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ nhận định quyết định của Tổng thống Trump không phục vụ lợi ích cao nhất của đất nước. Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng đánh giá đây là một bước đi nguy hiểm sai hướng, đồng thời thúc giục ông Trump xem xét lại vấn đề này.
Hoa Vũ (T/h)