Bạo lực bùng phát tại thủ đô Israel sau lệnh ngừng bắn
Ngày 21/5, lực lượng an ninh Israel đã xông vào giáo đường Al Asqa ở Thủ đô Jerusalem, trong lúc hàng nghìn người Palestine đang tụ tập để cầu nguyện
Theo CNN, lực lượng an ninh Israel đã dùng lựu đạn choáng và đạn cao su để giải tán đám đông người Palestine. Một số người, trong đó có cả trẻ em, đã bị tấn công trong khi cố gắng bỏ chạy.
Một số phóng viên tại đây đã bị cảnh sát Israel tấn công, chỉ súng vào phía phóng viên và gọi họ là "kẻ nói dối" khi họ đưa ra thẻ báo chí.
Phía cảnh sát Israel cho biết họ bị một nhóm thanh niên Palestine ném đá và bom xăng về phía mình và phải đáp trả.
"Các đơn vị đã phản ứng và tiến vào trong khu giáo đường Al Asqa. Họ ứng phó với những kẻ quấy nhiễu nhằm kiềm chế tình hình", Micky Rosenfeld, phát ngôn viên của cảnh sát Israel cho biết.
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ của Palestine cho biết họ đã điều trị cho 20 người bị thương sau vụ đụng độ.
Vụ việc trên nổ ra chỉ sau nửa ngày kể từ lúc lệnh ngừng bắn ở Gaza có hiệu lực. 11 ngày giao tranh ác liệt giữa Hamas, lực lượng kiểm soát Gaza, với Israel đã khiến ít nhất 230 người Palestine và 12 người Israel thiệt mạng.
Được biết, hàng nghìn người Palestine đã đến giáo đường Al Asqa để cầu nguyện, cũng như nhằm ăn mừng lệnh ngừng bắn và thể hiện sự đoàn kết với cư dân Palestine ở Gaza và khu Sheikh Jarrah.
Lộ diện kho vũ khí khủng của Hamas sau 14 năm
Dù bị Israel và Ai Cập phong tỏa suốt 14 năm, Hamas liên tục mở rộng kho vũ khí, khiến giới chức Israel thừa nhận không thể ngăn Hamas tiếp tục phóng rocket vào nước này.
Điển hình, trong cuộc giao tranh lần thứ tư này giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza, chỉ hơn 10 ngày, Hamas đã phóng hơn 4.000 quả rocket vào Israel, một số quả tiến sâu vào lãnh thổ Israel và với độ chính xác cao chưa từng có.
Rocket của Hamas thậm chí đã bắn đến tận phía bắc, tới Tel Aviv. Và Hamas còn sử dụng máy bay không người lái và thiết bị lặn dưới nước để tấn công các mục tiêu của Israel.
Thực tế này là màn phô diễn kho vũ khí mà Hamas đã liên tục mở rộng bất chấp sự phong tỏa nghiêm ngặt của Israel và Ai Cập trong suốt 14 năm.
Được biết, từ khi Hamas được thành lập năm 1987, cánh quân sự bí mật của lực lượng này, vốn hoạt động cùng với một tổ chức chính trị công khai hơn, đã phát triển từ một lực lượng dân quân nhỏ thành những gì Israel mô tả là “quân đội bán chính quy”.
Khi bạo lực lan rộng, Hamas bắt đầu sản xuất rocket thô sơ có tên “Qassam”. Rocket thô sơ này hoạt động bằng đường nóng chảy, tầm bắn chỉ vài km và thường bay vô định. Đa số rocket này rơi ngay trong Dải Gaza và ít gây thiệt hại cho Israel.
Sau khi Israel rút khỏi Dải Gaza năm 2005, Hamas đã tạo ra được một đường dây tiếp vận bí mật tới những nhà bảo trợ lâu năm là Iran và Syria, theo quân đội Israel.
Sau khi chính trị gia Hồi giáo và là đồng minh của Hamas – ông Mohammed Morsi được bầu làm Tổng thống Ai Cập năm 2012, hoạt động chuyển lậu vũ khí vào Dải Gaza tăng mạnh.
Hamas đã tích trữ một số loại rocket do nước ngoài chế tạo có tầm bắn nâng cấp, chẳng hạn như Katyushas hay Fajr-5 do Iran cung cấp và từng được Hamas sử dụng trong các cuộc giao tranh với Israel năm 2008 và năm 2012.
Theo ước tính của quân đội Israel, trước khi bùng phát xung đột, Hamas sở hữu 7.000 quả rocket với nhiều tầm bắn khác nhau, có thể bao phủ gần toàn bộ lãnh thổ Israel, cùng với 300 tên lửa chống tăng và 100 tên lửa phòng không.
Ngoài ra, Hamas còn có hàng chục máy bay không người lái, có một đội quân gồm 30.000 tay súng, trong đó có 400 lính biệt kích hải quân.
Hoa Vũ (T/h)